Là trộm vặt, hay phá hoại, là trình độ dân trí, hay là vấn đề về kinh nghiệm quản lý công trình đô thị?
Nắp chắn rác làm bằng gang, đường kính 20 cm, và theo đại diện nhà thi công là “có dấu hiệu bị cạy bằng xà beng để lấy trộm”. Thế thì khó nói đó là tiện tay ăn cắp vặt, mà phải nói đó là hành vi phá hoại cố ý.
Nhưng cứ phải thẳng thắn “ném” về phía cơ quan quản lý câu hỏi cần thiết. Tại sao ở một công trình đô thị “biểu tượng mới” của TP.HCM ngay giữa trung tâm TP mà chuyện ai đó dùng xà beng cạy để lấy vài chục nắp chắn rác trên mặt cầu mà không ai hay biết, không ai phát hiện để ngăn chặn? Liệu có thiếu một phương án giám sát quản lý công trình bằng camera an ninh để kịp thời phát hiện những hành vi bất thường cần được ngăn chặn? Ai đời có người lên mặt cầu dùng xà beng cạy đến hơn bốn chục nắp chắn rác mà không ai hay biết! Cho dù kẻ phá hoại có thể đã thực hiện hành vi lúc đêm khuya thì điều đó cũng không thể loại trừ trách nhiệm quản lý. Chúng ta cần giải pháp camera giám sát chính là để hạn chế những tình huống như thế.
Nói thêm, cũng chuyện cầu Thủ Thiêm 2, sau khi khánh thành và thông xe đưa vào hoạt động thì chúng ta chẳng lạ gì khi chứng kiến những tình cảnh cũ ở nhiều cây cầu khác lặp lại. Là người dân tụ tập check-in ngắm cảnh, và theo đó là hàng rong “dàn trận” và xe máy dàn hàng. Chỉ lạ là một “tình cảnh cũ” như thế lẽ ra không nên lặp lại ở những cây cầu mới nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm thật sự, chứ không phải là “rút sợi dây kinh nghiệm” dài lê thê.
Chuyện người dân háo hức trải nghiệm cảm giác với cây cầu biểu tượng mới xây xét cho cùng là chuyện bình thường, và nên được hình dung trước trong kịch bản khánh thành cầu. Để mà, các quy định về quản lý người đi bộ, quản lý việc dừng xe máy trên cầu, nghiêm cấm hàng rong, quản lý vệ sinh mỹ quan công trình phải vào cuộc đồng bộ. Phải xác định ngay các khuôn khổ cần thiết cho việc khai thác, sử dụng cây cầu để định hướng hành vi của người dân. Chứ không chỉ là tung lên truyền thông cụm từ ngữ “cầu biểu tượng mới” đầy kích thích rồi để cho cây cầu ấy “tự chiến đấu” với những rắc rối phát sinh tiếp theo.
Cũng phải “ném” về phía người dân có tham gia sử dụng cầu Thủ Thiêm 2 câu hỏi cần thiết. Rằng có khi nào, người này người kia vì háo hức lên cầu chụp hình check-in, hóng gió ngắm cảnh TP mà hoàn toàn bất chấp các quy tắc về thực hành an toàn giao thông, về thực hành ý thức hành xử không làm phiền đến người khác, về ý thức giữ gìn vệ sinh và mỹ quan đô thị. Thế là, tụ tập đông người làm ảnh hưởng giao thông, dựng xe máy dàn hàng trên cầu. Thế là, bước tới bước lui lấy góc máy chụp ảnh mà bất chấp an toàn.
Và cứ thế, là những chuyện nho nhỏ trên cầu biểu tượng có thể trở thành “biểu tượng” cho trình độ dân trí hạn chế.
Bình luận (0)