Từ cô bé nhút nhát đến nhà vô địch Sơ đồ tư duy 2022

28/12/2022 11:33 GMT+7

Một nữ sinh ở Bắc Giang từng là nữ sinh nhút nhát nhưng nay trở nên tự tin và trở thành nhà vô địch khối lớp 12 trong Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 (Vietnam Mindmap Championship 2022) vừa qua.

“Em rất bất ngờ và hạnh phúc khi được biết kết quả mình đạt giải nhất khối lớp 12 trong cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 (Vietnam Mindmap Championship 2022) trong đêm trao giải 18.12 tại TP.HCM”, Bùi Thị Ngọc Bình, nữ sinh lớp 12A13 Trường THPT Lạng Giang (Bắc Giang), chia sẻ.

Ngọc Bình là một trong số 104 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đã xuất sắc vượt qua hơn 12.000 thí sinh trên cả nước để bước vào vòng chung kết của Cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022. Đây là “sân chơi” trí tuệ (từ tháng 6 - 12) do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp Viện Kỷ lục Việt Nam tổ chức, với sự đồng hành của Bộ GD-ĐT và sự tài trợ của Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực và được Báo Thanh Niên bảo trợ truyền thông.

15 phút quyết định ngôi vị nhà vô địch

Trong vòng chung kết hôm 18.12, các thí sinh có 60 phút để vẽ sơ đồ tư duy (mindmap) theo đề bài do ban giám khảo đưa ra trong vòng thi tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM).

Ngọc Bình kể: “Em hoàn thành bài thi trong thời gian cho phép và đề bài là vẽ sơ đồ tư duy bài Sự trong sáng của tiếng Việt trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 12. Em cũng khá bất ngờ vì thật sự chưa học bài này ở trên lớp. Tuy nhiên, em đã nỗ lực hết mình, vừa đọc bài, vừa tìm từ khóa phù hợp để vẽ sơ đồ tư duy. 15 phút cuối cùng là quan trọng, khi đó em dồn hết sức mình hoàn thành hình trung tâm để có thể đặc tả được sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời đúng quy luật của mindmap”.

Kết quả là, bài thi của Ngọc Bình được đánh giá tốt nhất bởi ban trọng tài gồm 35 người, trong đó có Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong, Chủ tịch Tổ chức Mindmap VN. Đây là một sự quyết tâm của nữ sinh Bắc Giang sau 7 tháng tham dự cuộc thi. Trong suốt thời gian đó, mỗi tuần thí sinh đều trải qua một bài thi vẽ Sơ tư duy, tự quay video rồi gửi cho hội đồng trọng tài.

Ngọc Bình nhận thấy cuộc thi năm nay gây cấn và hấp dẫn hơn năm ngoái vì thời gian làm bài rút ngắn từ 120 phút xuống còn 60 phút, buộc thí sinh phải tập trung cao độ. “Năm ngoái, do tình hình dịch Covid-19 nên em không thể vào TP.HCM để dự vòng chung kết cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam đầu tiên nên năm nay em quyết tâm hoàn thành cuộc thi”, Ngọc Bình nói.

Dù là năm học cuối cấp phải học trên lớp lẫn đi học thêm từ sáng sớm đến tối nhưng nữ sinh này cho biết, nhờ nắm phương pháp sơ đồ tư duy nên việc học tập trở nên nhẹ nhàng hơn, giúp rút ngắn thời gian học bài để có thể tham gia cuộc thi. “Mỗi ngày, em đều vẽ sơ đồ tư duy để ôn luyện bài vở trên lớp, điều này cũng góp phần giúp em rèn luyện kỹ năng tốt hơn cho cuộc thi”, Ngọc Bình nói. Theo Ngọc Bình, sơ đồ tư duy có thể được áp dụng với tất cả các môn học, nhất là môn lịch sử.

Vòng chung kết cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022 (Vietnam Mindmap Championship 2022) đã tìm ra 12 nhà vô địch, giúp nâng trí tuệ Việt lên tầm vóc mới trong bản đồ tư duy thế giới và có thể được chọn để đăng cai quốc tế. Ông Nguyễn Phùng Phong nói: “Năng lực của những nhà vô địch năm nay hoàn toàn có thể so sánh với bạn bè thế giới và chúng ta có thể tự tin rằng các em sẽ đạt thành tích trong những cuộc thi quốc tế sắp tới. Sau cuộc thi, các nhà vô địch sẽ tiếp tục được đào tạo để tham gia những giải thi đấu Sơ đồ tư duy trong khu vực và thế giới, đồng thời trở thành những “đại sứ” lan tỏa phương pháp mindmap để việc học trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng hơn”.

“Mạnh dạn, tự tin và có ý chí phấn đấu hơn”

Ít ai biết rằng trước khi trở thành nhà vô địch sơ đồ tư duy khối lớp 12, Ngọc Bình từng là một nữ sinh nhút nhát. “Em từng không tự tin trong giao tiếp và ngại tiếp xúc với mọi người. Tuy nhiên, sau khi tham gia cuộc thi cuộc thi Sơ đồ tư duy Việt Nam 2022, em tự tin hơn trong giao tiếp với mọi người, tự tin đứng trước ống kính, quan trọng nhất nắm vững hơn phương pháp mindmap để áp dụng trong việc học tập của mình”, Ngọc Bình nói.

Nữ sinh này đồng thời cho biết chính mẹ là người đã tìm hiểu về phương pháp mindmap và tạo điều kiện cho con gái học hỏi, tham gia cuộc thi.

“Trước khi tham gia cuộc thi, con gái rất nhút nhát và tự ti. Con luôn cho rằng bản thân có cố gắng hết sức cũng chẳng đạt kết quả gì. Cuộc thi đã giúp con gái tiếp cận, nắm vững các luật của sơ đồ tư duy theo chuẩn quốc tế, biết lên kịch bản thuyết trình, biết quay và chỉnh sửa video. Con đã có sự tiến bộ vượt bậc, mạnh dạn, tự tin và có ý chí phấn đấu hơn, bố mẹ cũng không cần nhắc nhở nhiều về việc học tập”, cô Nguyễn Thị Nguyệt, Hiệu phó Trường tiểu học Xương Lâm (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) - mẹ của Ngọc Bình, nói.

Theo cô Nguyệt, mindmap là phương pháp hiệu quả giúp việc học tập của các con trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng. Bên cạnh đó, sử dụng mindmap có thể giúp các con thuộc bài ngay tại lớp, phát huy năng lực sáng tạo và kỹ năng thuyết trình của mỗi học sinh. “Đồng hành cùng con trong 2 năm qua, tôi hoàn toàn tự tin để khẳng định giá trị của sơ đồ tư duy. Hiện tại, tôi cũng đang chia sẻ cho các thầy cô, phụ huynh và bạn bè để phương pháp này ngày càng được lan tỏa rộng hơn”, cô Nguyệt cho hay.

Dù cuộc thi đã khép lại nhưng Ngọc Bình cho biết sẽ tiếp tục giới thiệu sơ đồ tư duy cho nhiều bạn bè hơn. “Khi mình vẽ sơ đồ tư duy, mình sống trong sắc màu, bớt căng thẳng hơn là việc học dồn vào quá nhiều chữ trong tài liệu”, Ngọc Bình nói.

Cuộc thi năm nay đặc biệt còn có sự góp mặt của Giáo sư Marek Kasperski, Trưởng ban Trọng tài toàn cầu của Giải vô địch Sơ đồ tư duy và Đọc nhanh thế giới; thầy Dominic O’Brien, tượng đài Siêu trí nhớ với 8 lần vô địch thế giới, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về trí nhớ, Trưởng ban Đạo đức cuộc thi Siêu trí nhớ thế giới; ông Teo Kim Foo, Chủ tịch Hội đồng Thể thao trí nhớ thế giới Malaysia - Phó chủ tịch Hội đồng Thể thao trí nhớ châu Á - Thái Bình Dương; công chúa Malaysia Tengku Faizwa Razif, người tổ chức Giải vô địch trí nhớ thế giới lần thứ 22 tại Malaysia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.