Từ Công nương Diana đến Hoàng tử Harry

02/05/2017 20:39 GMT+7

Cách đây 20 năm, thế giới đau lòng khi nhìn cảnh hai hoàng tử William và Harry đi cạnh quan tài công nương Diana để đưa tiễn mẹ lần cuối.

Đoạn đường tưởng chừng rất ngắn từ cung điện Kensington đến nhà thờ Westminster Abbey lại hóa ra rất dài đối với họ, nhất là hoàng tử Harry khi ấy mới 12 tuổi.
Kể từ ngày công nương Diana qua đời trong tai nạn xe hơi thảm khốc ở Paris, Harry đã phải một mình vật lộn với nỗi đau mất mẹ đến nỗi phải tìm đến bác sĩ trị liệu cách đây 4 năm. Giờ đây, Harry sẵn sàng hành trình tiếp nối di sản nhân đạo của mẹ.

tin liên quan

Hãy ngồi xuống nói chuyện với con như công nương Anh
Khoảnh khắc công nương Anh Kate Middleton khuỵu gối thấp để nghe rõ con trai – hoàng tử bé George trả lời khiến nhiều người xúc động bởi mang thông điệp về giáo dục con cái rằng hãy biết lắng nghe.
Bản sao của mẹ
Sự kiện London Marathon 2017 vừa qua đã tạo tiếng vang cho chiến dịch mang tên Heads Together được điều phối bởi Quỹ hoàng gia của vợ chồng hoàng tử William và hoàng tử Harry. Heads Together, với mục tiêu nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần là dự án có sự đóng góp rất to lớn của hoàng tử Harry và là đúc kết quá trình tự chiến đấu của bản thân chàng trai 32 tuổi này.
“Tôi có thể nói rằng chuyện tôi mất mẹ ở tuổi 12 và sau đó đóng cửa tất cả cảm xúc của tôi suốt 20 năm qua đã tác động nghiêm trọng đến không chỉ cuộc sống riêng mà còn đến công việc của tôi. Cách tôi đối diện với thực tế là “chui đầu vào cát”, từ chối nghĩ về mẹ tôi bởi cho rằng điều đó thì giúp ích được gì”, vừa qua Harry đã tâm sự như thế.
Ông Patrick Jephson, người từng được công nương Diana chọn làm thư ký riêng duy nhất của bà từ năm 1988 - 1996, trong bài báo cho tờ TIME đã viết: “Với quyết định công khai tình trạng sức khỏe tâm thần của mình, hoàng tử Harry đã chấp nhận mạo hiểm và vượt qua những điều cấm kỵ theo cái cách mà nếu mẹ cậu ấy còn sống hẳn sẽ cảm thấy ấm lòng. Bởi lúc sinh thời, công nương Diana cũng can đảm nói lên nỗi sợ hãi đeo bám cả cuộc đời bà - chứng rối loạn ăn uống”.
Từ Công nương Diana đến Hoàng tử Harry 1
Ảnh: Shutterstock
Và đây cũng chỉ là một mảnh ghép nhỏ cho thấy hoàng tử Harry là phiên bản của công nương Diana bởi nhìn ở mức độ rộng hơn, người con trai út của bà đã tiếp bước con đường mà bà đã chọn. Bà không vượt qua được chứng bệnh ấy hoàn toàn nhưng lại là nhà vô địch của một sự nghiệp nhân đạo gắn liền với bệnh AIDS, bệnh phong, tình trạng nghiện ngập, bạo lực gia đình, vô gia cư…
Phải nhớ rằng vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, những lĩnh vực này là những địa hạt vô cùng rủi ro đối với người của công chúng bởi vẫn còn đó suy nghĩ từ thời trung cổ cho rằng những căn bệnh như AIDS hay thần kinh là một kiểu bị thần linh nguyền rủa.
Đối với Diana, nữ hoàng tương lai của nước Anh, bà chấp nhận đặt cược uy tín hoàng gia của mình ở đó, gây nên không ít ngờ vực, thậm chí có người còn nghĩ rằng bà có vấn đề về tâm thần. Chính ông Jephson có lần đặt câu hỏi tại sao, bà đã trả lời: “Anh không thấy ư, Patrick. Tôi làm bởi tôi là một trong số họ”. Chẳng phải bà rơi vào tình cảnh giống họ, mà bà biết mình cũng là con người như họ, ông Jephson giải thích.
Từ Công nương Diana đến Hoàng tử Harry 2
Hậu duệ của mẹ
Hoàng tử Harry là người sáng lập ra sự kiện thể thao quốc tế mang tên Invictus Games theo tinh thần của Paralympic, quy tụ những người lính, những quân nhân bị thương tham gia. Invictus Games đầu tiên được tổ chức tại London năm 2014. Invictus Games lần thứ 2 diễn ra tại Florida (Mỹ) và lễ khai mạc có sự xuất hiện của Đệ nhất phu nhân nước Mỹ lúc đó là bà Michelle Obama, cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush. Ontario (Canada) sẽ là địa điểm cho Invictus Games lần thứ 3 vào năm nay.
Công nương Diana cho đến nay vẫn luôn là một trong những biểu tượng thời trang của thế giới. Nhưng có lẽ hình ảnh đẹp nhất mà người hâm mộ bà không bao giờ quên là hình ảnh công nương mặc chiếc áo giáp bảo hộ in dòng chữ The HALO Trust và mang miếng chắn bảo vệ ở trước mặt bình thản đi giữa một bãi mìn ở Huambo (Angola) - nơi mà tổ chức nhân đạo này đã hỗ trợ giải tỏa mìn còn sót lại. Hành động đẹp ấy diễn ra chỉ vài tháng trước khi bà qua đời và không bao lâu sau đó Hiệp ước Cấm mìn sát thương được 122 nước đặt bút ký tại Ottawa.
Vào đầu tháng 4 này, với vai trò người bảo trợ hoàng gia của The Halo Trust, hoàng tử Harry đã kêu gọi lãnh đạo thế giới cùng chung tay làm cho thế giới không còn bom mìn sót lại vào năm 2025. “Cách đây 20 năm, trong những tháng cuối đời của mẹ tôi, bà đã vận động để thu hút sự chú ý của mọi người tới những hậu quả khủng khiếp của bom mìn. Lúc đó, sự chú ý mà mẹ tôi muốn hướng đến vấn đề này không được rộng rãi. Một số người tin rằng bà đã bước qua lằn ranh ấy để tiến vào vũ đài chính trị. Nhưng đối với mẹ tôi, chẳng có gì liên quan đến chính trị, đó là vấn đề con người”, Harry đã nói về mẹ trong bài diễn văn đại diện cho Nhóm cố vấn bom mìn MAG và Tổ chức The Halo Trust tại cung điện Kensington.
Và Harry còn tìm lại những dấu chân của mẹ khi đến thăm những nơi còn sót lại bom mìn ở Mozambique năm 2010 và Angola năm 2013. Với hoàng tử Harry, vẫn còn nhiều nơi, nhiều địa hạt mà anh muốn kế thừa di sản của mẹ như lời Harry chia sẻ: “Bà ấy là người hết lòng với những người mà bà cảm thấy cần đến tiếng nói của bà nhất, cho dù đó là những người bị cách ly khỏi xã hội và đang chờ chết vì căn bệnh AIDS ở phía đông London, những bệnh nhân phong bị xa lánh ở Ấn Độ hay một cô bé mất chân vì bom mìn ở Angola”.
Ngai vàng nước Anh khó mà thuộc về hoàng tử Harry, nhưng một khi đã làm sống lại biểu tượng nhân ái và tiếng nói nhân hậu của công nương Diana, Harry cũng đã là vua trong lòng mọi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.