M. vay tiền rồi sau đó cho nhiều người mượn. Năm 2021, M. bị giật nợ, con nợ bỏ trốn khiến M. vỡ nợ dây chuyền, rơi vào vòng xoáy phải mượn tiền người này để trả nợ người khác. Vụ việc lẽ ra chỉ là giao dịch dân sự cho đến khi M. ký vào giấy mượn 2,95 tỉ đồng của chủ nợ với nội dung "đáo hạn ngân hàng". HĐXX nhận định, hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cấu thành khi M. dùng tiền vay trả nợ và tiêu xài cá nhân, sai mục đích cam kết.
M. khai do trên mẫu giấy mượn tiền của chủ nợ ghi sẵn nội dung "đáo hạn ngân hàng" nên M. ký. HĐXX hỏi, nếu giấy mượn tiền ghi không đúng mục đích, vì sao M. vẫn ký, thì M. đáp đó là luật bất thành văn của giới cho vay, người cần vay phải chấp nhận.
Câu chuyện tương tự của M. không phải là hiếm. Như vụ V.T.Q.C (36 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) mượn của bạn chồng và một người khác hơn 18 tỉ đồng. Vụ nhân viên ngân hàng Đ.V.T (32 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) lấy tiền khách 1,5 tỉ đồng. Tất cả cùng lý do "đáo hạn ngân hàng", nhưng dùng khoản tiền đó để trả nợ xoay vòng.
Trong các vụ việc, đến khi làm việc với cơ quan pháp luật, đương sự mới nhận thức được thì đã muộn màng.
Kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng về tình hình 6 tháng đầu năm 2023 vừa qua có báo cáo, thảo luận về tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu (lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…) gia tăng. Gia tăng do tác động lâu dài của Covid-19 và đời sống kinh tế, xã hội khó khăn, với 48% tội phạm này không có nghề nghiệp. Nhiều trường hợp ban đầu không cố tình, nhưng vì thiếu hiểu biết, không tìm hiểu các hậu quả, lại chủ quan với khả năng trả nợ, nên phạm tội.
Hơn thế, thực trạng trên còn cho thấy góc khuất của nghề cho vay. Trong khi ngành ngân hàng chưa thể hoàn toàn giải quyết được các nhu cầu, thì vay mượn dân sự vẫn tồn tại. Nhưng trước khi vay tiền, mỗi người cần tìm hiểu các giới hạn để tự cứu lấy mình.
Bình luận (0)