Tự cứu mình

14/09/2011 00:29 GMT+7

Hôm qua, trong lúc tại TP.HCM đang diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế "Bốn quốc gia một điểm đến" thì ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, lặn lội giữa cơn mưa lũ đang tràn về ở Nghệ An. Ông đi tìm kiếm những điểm du lịch mới, để “tự cứu lấy mình”.

Ông Mỹ là người đi nhiều, biết nhiều và vì thế mà bức xúc cũng nhiều. Ông đã từng ví von: “Du lịch VN giống như chim cánh cụt chỉ có 2 chân mà thiếu đôi cánh nên chỉ có thể lội nước và chạy lạch bạch chứ không thể bay". Theo ông Mỹ, du lịch VN đang phát triển tự phát. Ai cũng có quyền làm chủ nhưng chẳng ai có đủ quyền hạn và trách nhiệm cụ thể, lại quản lý chồng chéo.

Ông cho rằng, cần phải tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp làm du lịch. Điều thứ hai là phải thay đổi môi trường du lịch. Muốn khách đến nhà mình chơi, chủ nhà phải lo dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, sạch sẽ; chứ để bề bộn, dơ bẩn thì mấy ai quay trở lại? Du lịch mà hạ tầng giao thông yếu kém, đường sá thường xuyên bị kẹt xe, các khu du lịch đầy rác thải... thì làm sao thu hút khách. Còn những chuyện không đẹp nữa, nếu không muốn nói là xấu như nạn ăn xin, bán hàng rong và móc túi, giật dọc... đang làm cho hình ảnh VN xấu đi trong mắt của khách du lịch nước ngoài. Chuyện này đã tồn tại khá lâu mà nhiều địa phương không dẹp được.

Một yếu tố cần thay đổi nữa là con người. Điều này VN thua xa Thái Lan. Trước đây, khi người Việt bắt đầu đến Thái Lan và đến ngày càng nhiều, thì người Thái đã tổ chức cho các hướng dẫn viên du lịch của họ học tiếng Việt để đón khách VN. Trong khi ở ta giờ tìm mỏi con mắt cũng không thấy hướng dẫn viên biết tiếng Thái. Rồi thì lượng khách từ Campuchia sang VN du lịch ngày càng tăng nhưng đã có hướng dẫn viên nào biết tiếng Khmer?

Trong khu vực Đông Nam Á, bốn quốc gia kém nhất trong lĩnh vực du lịch là Campuchia, Lào, Myanmar và VN. Mỗi nước có những điểm yếu khác nhau, như Campuchia thiếu lưới điện quốc gia; Lào thiếu hướng dẫn viên; Myanmar có nhiều tiềm năng nhưng phương tiện giao thông quá kém; còn vấn đề của VN là quản lý kém.

Cả bốn quốc gia cùng có một điểm chung là kém phát triển về du lịch, đang hợp sức cùng nhau xúc tiến đầu tư "Bốn quốc gia một điểm đến", với kỳ vọng tạo ra cú hích, trong đó VN là điểm đến, cũng là cửa ngõ quan trọng. Nhưng nếu mới bước vào cửa ngõ, nhìn thấy cảnh taxi "chặt chém", bị người bán hàng rong, ăn xin đeo bám và tệ hơn là bị móc túi, giật giỏ xách... thì mấy ai còn thích điểm đến này?

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.