Tại Nghị quyết 43, T.Ư Đảng đánh giá, dù đạt được nhiều kết quả, song việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy, phát huy được tiềm năng to lớn trong nhân dân.
Một số chính sách chưa sát với thực tiễn, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn; phân hóa giàu - nghèo và chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn.
Việc bảo đảm cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" có mặt còn hạn chế; quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi chưa được bảo đảm.
T.Ư Đảng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu gương mẫu, chưa thực sự gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Cạnh đó là sự chống phá ngày càng tinh vi, phức tạp của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ đó, T.Ư Đảng đặt mục tiêu tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân
Để thực hiện mục tiêu này, T.Ư Đảng đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó, ngoài nâng cao nhận thức, T.Ư Đảng yêu cầu hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước.
T.Ư Đảng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Theo đó, T.Ư Đảng nhấn mạnh việc kiên trì thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh để củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" gắn với phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
T.Ư Đảng cũng yêu cầu thực hành và phát huy dân chủ; thực hiện nghiêm chế độ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, cử lãnh đạo làm việc với các tổ chức đại diện của nhân dân; lắng nghe và giải quyết kịp thời những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, những vấn đề nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân.
Ngoài ra, T.Ư Đảng cũng yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Cùng đó là tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.
Bình luận (0)