T.Ư Đảng: Sửa đổi tuổi lao động trí thức, đổi mới công nhận chức danh khoa học

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/11/2023 16:15 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt T.Ư Đảng ký ban hành Nghị quyết 45 của Hội nghị T.Ư 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới (Nghị quyết 45).

Thiếu cơ chế đột phá thu hút, trọng dụng trí thức

Tại Nghị quyết 45, T.Ư Đảng đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của T.Ư khóa X về đội ngũ trí thức, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập, hạn chế; một số nội dung của nghị quyết chậm được thể chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn.

T.Ư Đảng: Sửa đổi tuổi lao động trí thức, đổi mới công nhận chức danh khoa học - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp gỡ trí thức Việt Nam, 40 năm thành lập Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

GIA HÂN

Cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội; việc xây dựng đội ngũ trí thức chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương.

Từ đó, tại Nghị quyết 45, T.Ư Đảng nhấn mạnh quan điểm xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, xã hội. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức. Cùng đó, tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức.

T.Ư Đảng cũng đặt mục tiêu phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước.

T.Ư Đảng đặt mục tiêu phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á. Trong đó, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.

Tầm nhìn tới năm 2045, T.Ư Đảng xác định, đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.

Tôn trọng ý kiến của đội ngũ trí thức

Nghị quyết 45 của T.Ư Đảng cũng đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp, bao gồm tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức.

Trong đó, T.Ư Đảng yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh đội ngũ trí thức.

Kịp thời lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng; thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại bảo đảm khách quan, tôn trọng ý kiến của đội ngũ trí thức.

T.Ư Đảng cũng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài. Theo đó, yêu cầu tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam và một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức.

Kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc.

T.Ư Đảng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Trong đó, nhấn mạnh cần sớm ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng đó, có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, trong văn hoá, văn học, nghệ thuật. T.Ư cũng yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức. Đổi mới, nâng cao hiệu quả việc đánh giá, công nhận các chức danh khoa học. Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức…

Nghị quyết của T.Ư cũng yêu cầu có cơ chế tạo điều kiện cho các hội trí thức tham gia thực hiện một số dịch vụ công, giám sát hoạt động nghề nghiệp, kiểm định và công bố chất lượng một số dịch vụ công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.