Từ Đèn không hắt bóng đến Mùa đông cuối cùng

31/03/2010 14:17 GMT+7

Mùa đông cuối cùng là tên vở kịch mới nhất (công diễn tối 30-3) của đạo diễn Ái Như trên sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Đây cũng chính là bản dựng khác của kịch bản Đèn không hắt bóng mà đạo diễn Minh Hải từng thể hiện trên sân khấu 5B cách đây nhiều năm, dựa trên nguyên tác Vô ảnh đăng của nhà văn Nhật Bản Watanabe Junichi.

Naoê (Quốc Thái) là một bác sĩ ngoại khoa tài năng, lạnh lùng và quyến rũ. Anh là ngôi sao trong phòng mổ với những ca khó tại một bệnh viện tư. Anh bí ẩn và đôi khi tàn nhẫn với thái độ dửng dưng trước nỗi đau của người khác. Anh cuốn hút hầu hết phụ nữ xung quanh và không từ chối sự ngưỡng mộ hay khao khát của bất cứ người tình nào. Anh luôn khoác lên người chiếc áo của sự ích kỷ và buộc mọi người chấp nhận điều đó.

Noriko (Tuyết Mai) lại là một cô y tá bé nhỏ, hiền lành và an phận. Cuộc sống của cô chỉ quẩn quanh với những ca trực đêm trong bệnh viện và tình yêu vô điều kiện dành cho Naoê. Cô yêu anh bằng những cảm xúc nồng nàn và cam chịu, tới mức cô hiểu nếu anh không mở cửa thì chắc hẳn trong nhà đang có một người đàn bà khác, rằng sau sự im lặng dửng dưng là bộc phát của dục vọng - điều hoàn toàn hiển nhiên trong mối quan hệ giữa cô và anh.

Xoay quanh Naoê và Noriko là những khuôn mặt người trong không gian tưởng chừng chật hẹp của bệnh viện nhưng lại có khả năng điển hình cho một xã hội phức tạp: lão viện trưởng Yutaro (Thành Hội) chỉ mong kiếm thêm tiền từ bệnh nhân và mỗi ngày âu yếm với một cô gái đáng tuổi con mình, bà vợ Risuko của ông (Kim Xuân, Tuyết Thu) sẵn sàng bán rẻ nhân phẩm để chạy theo dục vọng, bác sĩ Kobasi (Trí Quang, Minh Trí) mới ra trường nên tràn đầy nhiệt huyết, cô y tá Aikiko (Ái Như) tốt bụng nhưng vụng về, vợ chồng ông cụ mắc bệnh nan y nghèo khó và cô diễn viên nổi tiếng lén lút vào viện để giải quyết cái thai...

Những dòng văn mà nhiều người cho rằng hay nhất trong tác phẩm của Watanabe chính là những đoạn đối thoại về đạo đức nghề nghiệp, về sự sống và cái chết giữa hai vị bác sĩ trẻ tài năng Naoê và Kobasi. Ở Mùa đông cuối cùng, qua diễn xuất hết mình của Quốc Thái và Trí Quang (hoặc Minh Trí), cuộc tranh luận giữa bổn phận cứu người của một thầy thuốc và triết lý “giúp người ta chết một cách bình yên khi không còn có thể làm gì nữa” vẫn đủ nảy lửa để khiến người xem... khó chịu! (một sự khó chịu trước cuộc giằng co giữa cái đúng hiển nhiên của nguyên lý và cái đúng tàn nhẫn của thực tiễn).

Lý tưởng và nhiệt huyết của bác sĩ trẻ Kobasi liên tục vấp phải sự nghiệt ngã của thực tế cuộc sống. Trong khi đó, bác sĩ Naoê đầy trải nghiệm không nhất nhất tuân theo một con đường đúng, anh sẵn sàng đi một lối khác (mà nhiều người cho là sai), vượt lên trên những biểu hiện nguyên sơ và dễ thấy của tình yêu thương để đưa mọi thứ vận hành theo đúng quy luật cần thiết. Đó phải chăng là đích đến của sự trưởng thành? Quan điểm này đến nay vẫn luôn nóng hổi và không ngừng được tranh luận.

Trung thành với nguyên tác, Mùa đông cuối cùng không chỉ là một bức tranh với hai màu đỏ, trắng của không gian bệnh viện (dù đó cũng chính là màu sắc chủ đạo của không gian sân khấu), vở kịch còn mang một màu xám bạc dịu dàng của một tình yêu buồn và sự cô độc cố hữu trong những tác phẩm văn học Nhật. Tình yêu đau khổ và bền bỉ như một định mệnh mà Noriko tự nguyện dấn sâu vào. Sự cô độc là cách mà Naoê chọn để đi hết những chuỗi ngày còn lại, hơn ai hết anh biết khi nào mình sẽ chết vì “cái chết không biết nghỉ ngơi”.

Ở những thời khắc của mùa đông cuối cùng, khi sự cô độc được sẻ chia và tình yêu lên tiếng, những vị tha và an ủi muộn màng cũng từ đó mà tìm về. Ở trường đoạn này, sân khấu chìm trong vẻ đẹp của tuyết lạnh và mặt hồ Sitkôsu huyền ảo...

Sự trở lại nhiều chăm chút

Với bút danh Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như và NSƯT Thành Hội từng chấp bút chuyển thể bản dịch tiểu thuyết Đèn không hắt bóng của dịch giả Cao Xuân Hạo (xuất bản tại Việt Nam năm 1986) thành kịch bản sân khấu, rồi sau đó từng dàn dựng thành vở tốt nghiệp cho các khóa sinh viên lớp diễn xuất của mình.

Tuy nhiên, ở sự trở lại lần này, Đèn không hắt bóng đã thành Mùa đông cuối cùng trong một không gian rộng rãi và nhiều chăm chút hơn. Ái Như đã kỹ đến nỗi đặt làm từng chiếc bảng tên mô phỏng chữ Nhật nhỏ xíu trên phục trang của từng nhân vật (mà chắc chắn khán giả sẽ không thể nào thấy hết được), hay thức đêm cùng các diễn viên cào xốp để làm tuyết giả...

Sân khấu lần này của chị là hình ảnh mô phỏng lá cờ Nhật, hay chính là ngọn đèn trong phòng mổ - ngọn đèn với luồng sáng tập trung và không hắt bóng, tựa như vầng thái dương. Đứng dưới vùng sáng rực rỡ của ngọn đèn này, không một người nào có bóng...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.