|
Sai ngay phần niên biểu
Ngay phần niên biểu trang xxi, người đọc có chút hiểu biết về Sài Gòn đã thấy “vương vướng”. Sách ghi: 300 - 400 (năm 300 - 400, NV). Một ngôi chùa Phù Nam được dựng gần một ao sen được cho là linh thiêng (đúng vị trí của chùa Phụng Sơn sau này). Thông tin này hoàn toàn sai nếu so với sử sách lâu nay. Bởi ngôi chùa được coi là xưa nhất vùng đất Gia Định chính là chùa Cây Mai. Trịnh Hoài Đức trong cuốn địa chí đầu tiên của đất Gia Định là Gia Định thành thông chí lưu hành khoảng năm 1820, viết: “Gò Cây Mai. Cách phía Nam trấn 30 dặm rưỡi, ở đây, gò đất nổi cao có nhiều Nam mai... Trên có ngôi chùa Ân Tôn... Lại có suối trong chảy quanh chân gò các du nữ chiều mát chống thuyền hái sen... Gò này xưa là chỗ chùa thấp của nước Cao Miên, nền móng còn nhận rõ. Năm Bính Tý (1816) niên hiệu Gia Long 15 có thầy tăng trùng tu lại, đào lấy được gạch ngói cỡ lớn của đời xưa rất nhiều...” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, mục Xuyên sơn chí trấn Phiên An, tập thượng, Nha văn hóa Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn 1972, trang 37, 38).
Đây là ngôi chùa duy nhất được nói đến trong cuốn sách này và cũng là ngôi chùa duy nhất được ghi nhận trên bản đồ Trần Văn Học năm 1815. Có thể nói đây là ngôi chùa xưa nhất của đất Gia Định. Sau năm 1859, chùa Cây Mai đã bị quân Pháp biến thành địa điểm quân sự. Vị trí của chùa nằm ở gò cao góc đường Nguyễn Thị Nhỏ - An Dương Vương, Q.11. Còn chùa Gò (Phụng Sơn Tự) là ngôi chùa khác nằm gần chùa Cây Mai chứ không phải “đúng vị trí” như sách viết.
Cũng trong phần niên biểu có câu: 1859. Bắt đầu khởi công xây dựng tòa tổng giám mục. Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi được quy hoạch. (trang xxiii). Thế nhưng, không thấy ghi chép nào của trong và ngoài nước về việc người Công giáo ở Sài Gòn “khởi công xây dựng tòa tổng giám mục và quy hoạch nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trong năm 1859”, thời điểm mà quân Pháp còn bận rộn với chiến trường Trung Quốc và số quân còn đóng tại Sài Gòn liên tục bị nghĩa quân VN tấn công. Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi chỉ được quy hoạch sau năm 1862 trên phần đất vốn là khu vực nghĩa trang của người Việt nằm ven thành Gia Định xưa. Và cái tên Mạc Đĩnh Chi chỉ có sau năm 1955. Còn tòa tổng giám mục của đạo Công giáo, nếu hiểu theo cách nào đó thì đã được Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790 tại nơi mà nay là nền của Bảo tàng Lịch sử thành phố. Ngôi nhà này sau đó được dời đi nơi khác và hiện nay nằm trong khuôn viên số 180 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3. Còn tòa tổng giám mục hiện tại chỉ được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 do giám mục Nguyễn Bá Tòng thực hiện.
|
1861. Pháp tấn công thành Sài Gòn, dẫn đến trận Đại đồn Chí Hòa (24 - 25 tháng 2) và việc đốt phá thành này (8 tháng 3) (trang xxiii). Thực tế, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã tấn công “thành Gia Định” vào ngày 8.3.1859, sau đó phá hủy bằng chất nổ chứ không phải đốt phá thành này. Xin lưu ý, thành Gia Định, không phải thành Sài Gòn!
Một chi tiết khác: 1864. Khởi công xây dựng vườn bách thảo ở Sài Gòn và dinh Norodom (về sau là dinh Độc Lập, nay là dinh Thống Nhất) (trang xxiv). Dinh Norodom nay là dinh Thống Nhất được đặt viên đá đầu tiên vào ngày 23.2.1868.
1870. Chợ Bến Thành bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn (trang xxiv). Điều này không chính xác bởi trong lịch sử Sài Gòn, chỉ có chợ Bến Thành bị cháy một phần năm 1870 dẫn tới việc xây dựng nhà lồng mới. Không có chuyện chợ Bến Thành bị thiêu hủy.
1874. Các lớp đầu tiên khai giảng tại Le Collège Indigène (trường trung học bản xứ nay là Trường trung học Lê Quý Đôn) (trang xxiv). Năm 1874 trường trung học bản xứ được xây dựng. Nhưng trước đó rất lâu, từ năm 1865, trường này đã hoạt động dưới cái tên quen gọi là Trường Khải Tường. Gia Định Báo số ra ngày 1.2.1874 có viết: “Trường Khải Tường, Trương Minh Ký, nguyên làm thầy giáo dạy giúp hạng ba lên hạng nhì đồng niên ăn 1.400 quan tiền” và cũng trong số báo này có đăng danh sách 84 học trò Trường Khải Tường, trong đó có ông Huỳnh Công Miên (Gò Công) người thường được dân chúng gọi là Cậu Hai Miên, hay Cậu Hai Miễn Tử. Như vậy, Trường Khải Tường sau là trung học bản xứ nay là Lê Quý Đôn đã hoạt động từ trước năm 1874 rất lâu.
Sai về kiến thức
Tờ báo hiện đại đầu tiên ở Sài Gòn là Gia Định Báo được xuất bản từ tháng 4.1865, do Huỳnh Tịnh Của (1834 - 1909) làm chủ bút... Sau nó được tăng trang và có thêm tiểu luận lịch sử, thơ và bài kể lại những truyền thuyết VN. Xuất bản hai lần một tháng cho đến năm 1869, sau đó nó phát hành mỗi tuần ba kỳ (trang 15).
Tuy nhiên, trước khi có Gia Định Báo, Pháp đã xuất bản vài tờ báo bằng tiếng Pháp, Hoa. Gia Định Báo là tờ báo “tiếng Việt đầu tiên”. Ai là chủ bút báo này tới nay vẫn còn đang tìm hiểu, bởi trong báo không thấy nói. Báo xuất bản hằng tháng/kỳ. Đến năm 1872 thì xuất bản hai kỳ/tháng và từ năm 1881 tới ngày đình bản (1910) thì xuất bản hằng tuần/kỳ. Chưa thấy số báo nào xuất bản “mỗi tuần 3 kỳ”.
Sau 30.4.1975, các tờ báo ở Sài Gòn đều đình bản và chỉ có duy nhất một nhật báo ở thành phố này, Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản TP.HCM... (trang 17). Thực tế, sau ngày 30.4.1975, Sài Gòn Giải Phóng không phải là tờ nhật báo duy nhất mà còn có Báo Tin Sáng ra đời ngày 10.8.1975. Tờ báo tư nhân này tồn tại đến cuối tháng 6.1981 thì “đứt phim” như lời của ông Hồ Ngọc Nhuận, chủ bút, viết trong hồi ký Đời. Báo do ông Ngô Công Đức làm chủ nhiệm, Nguyễn Văn Binh làm quản lý.
Chỉ mới điểm 17 trang đã có quá nhiều điểm sai. Trong khuôn khổ một bài báo người viết không thể dẫn ra hết toàn bộ các điểm sai trong sách. Một cuốn từ điển, cuốn sách để tham khảo, trích dẫn mà sai như thế e rằng sẽ ảnh hưởng rất nhiều về sau. Bởi sách rồi sẽ được nhiều người, từ giới nghiên cứu, học sinh, sinh viên, người tò mò, người làm du lịch... đọc và hiểu sai lệch về Sài Gòn, điều mà không ai muốn. Cái sai này thuộc về người biên tập và người hiệu đính, không phải tác giả. Vì tác giả là người nước ngoài, nguồn tham khảo đa số từ nước ngoài, khó chính xác. Còn chúng ta là người Việt thì phải biết trân trọng lịch sử của chính mình, phải biết tận dụng không gian rộng của sách để có những chú giải cho đúng.
Bình luận (0)