Từ điển tiếng Việt của tiến sĩ trẻ người Nga

28/01/2008 23:14 GMT+7

Tết này, trong túi quà của người Việt ở các trung tâm thương mại Mêkông-Emeral, Xưởng may Lion,... ngoài bánh chưng, rượu, mứt như những năm trước, còn có một món quà tinh thần đầy ý nghĩa, đó là cuốn Từ điển chủ đề Nga - Việt của Macxim Xiunherberg.

Một ngày đầu hè năm 2001, tôi từ Matxcơva về Hà Nội, tiện thể ghé thăm nhóm sinh viên Nga tại ký túc xá Mễ Trì. Đây là những sinh viên Nga đầu tiên sang Việt Nam theo chương trình hợp tác trao đổi giữa trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội và Viện các nước Á-Phi của ĐH Tổng hợp Matxcơva mang tên Lômônôxôv. Vừa xuống xe, đi bộ lững thững vào ký túc xá, nơi trước đây nhiều năm tôi từng ở, thì một chiếc xe gắn máy phân khối lớn chạy vụt qua và dừng lại đột ngột. Ngay lập tức, tôi nhận ra người điều khiển xe là Macxim, con trai của Alecxây Xiunherberg, Trưởng ban tiếng Việt Đài Tiếng nói nước Nga. Macxim cho biết cậu thuê chiếc xe gắn máy này để đến lớp và dạo phố. Chỉ mới sang Việt Nam chưa đầy nửa năm mà trình độ Việt ngữ của Macxim đã nâng lên rõ rệt. Phải nói rằng, tình yêu của Macxim với tiếng Việt bắt nguồn từ chính cuộc đời của người cha. Suốt 40 năm qua, Alêcxây Xiunherberg đã viết hàng ngàn bài báo, phóng sự; đọc tin tức về Việt Nam bằng tiếng Việt. Ông đến Việt Nam nhiều lần, gặp nhiều cán bộ lãnh đạo, các anh hùng, những nhà hoạt động nghệ thuật của Việt Nam. Ông hiểu và yêu mến Việt Nam tận đáy lòng.


Macxim Xiunherberg

Ở Matxcơva mỗi năm có tới cả chục cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các doanh nhân, trí thức, các cuộc hội thảo của nhiều tổ chức đoàn thể, hiệp hội. Riêng các cuộc gặp mặt, liên hoan văn nghệ của sinh viên thì diễn ra thường xuyên. Và những buổi đó, hầu như bao giờ Macxim cũng có mặt. Anh còn viết bài cho các tạp chí và kỷ yếu Việt Nam tại Matxcơva. Anh là bạn thân của những nhà thơ, nhà văn và nhiều trí thức người Việt. Nghe anh nói tiếng Việt, đọc thơ Việt, ai cũng đều quý mến anh như một người đồng hương.

Cuối tháng 11.2007, vào một buổi chiều tuyết rơi tầm tã, Alêcxây gọi điện phỏng vấn tôi về ngày Nhà giáo Việt Nam. Khi câu chuyện kết thúc, anh cho tôi biết, bên Viện các nước Á-Phi vừa in xong quyển Từ điển chủ đề Nga - Việt do Macxim biên soạn.

Hay tin, tôi phóng xe đến nhà anh ở tận phố Nôvôtôrôv để tận mắt thấy quyển từ điển tôi từng quan tâm từ khi còn là bản thảo và để chúc mừng Macxim. Vào căn hộ của gia đình Xiunherberg, người ta có cảm tưởng như lạc vào một bảo tàng nhỏ Việt Nam. Trên giá sách, trên bàn viết, bày la liệt các tác phẩm viết bằng tiếng Việt. Trong phòng khách, đụng tới đâu cũng thấy các vật dụng Việt Nam, từ chiếc mũ nan đến bộ đũa bát; từ điếu hút thuốc lào đến bộ tranh thêu; từ câu đối đến những đồ thờ Phật... Macxim đi vắng, anh để lại cho tôi quyển từ điển làm quà tặng với dòng chữ viết bằng tiếng Việt trên trang đầu: "Kính tặng Thầy quyển Từ điển. Mong Thầy giúp góp ý thêm để lần sau tái bản được tốt hơn - M.A.Xiunherberg".

Đó là một quyển từ điển màu vàng nhạt, trang nhã, bìa cứng, dày tới 508 trang, bao gồm 15 chương mục. Các chủ đề được sắp xếp một cách hợp lý và khoa học, phù hợp với nhu cầu tra cứu của học sinh, sinh viên cũng như một số cán bộ chuyên ngành. Hệ thống từ vựng được sưu tầm và bổ sung bằng nhiều từ khoa học hiện đại mà một số từ điển trước đây chưa có do sự phát triển nhanh về khoa học kỹ thuật và sự du nhập đa dạng các từ ngoại lai. Quyển từ điển đã chọn được những từ, cụm từ Việt, những từ Hán Việt tương đương rất trong sáng và phổ thông. Quả thật tôi hết sức ngạc nhiên về khối lượng công việc mà Macxim đã hoàn thành trong mấy năm qua, khâm phục tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc và sự hiểu biết sâu rộng của vị tiến sĩ trẻ này. 

Nguyễn Huy Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.