Sau bài điều tra Ào ạt “rút ruột” biển Cần Giờ của Báo Thanh Niên, chiều 3.11, UBND TP.HCM chủ trì họp khẩn với UBND 8 tỉnh lân cận, trong đó có Tiền Giang, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai... nhằm tăng cường sự phối hợp, ngăn chặn, xử lý “cát tặc”.
tin liên quan
Rừng Sác Cần Giờ bị xâm hại vì khai thác cátLợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia (H.Cần Giờ, TP.HCM), nhà đầu tư điều hàng chục tàu hút, xáng cạp ngày đêm nạo vét...
Lộng hành nhiều nơi
Nhiều ý kiến tại cuộc họp đều thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép ở vùng biển Cần Giờ trở thành “điểm nóng” như Thanh Niên phản ánh.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, nạn “cát tặc” lộng hành ở vùng biển Cần Giờ và một số tuyến sông trên địa bàn TP giáp ranh với các tỉnh rất phức tạp. Thời gian qua, mặc dù đã bắt và xử lý hàng loạt vụ vi phạm, nhưng trên thực tế vẫn chưa ngăn chặn được triệt để. “Năm 2015 bắt 15 vụ, năm 2016 bắt 38 vụ, 6 tháng đầu năm 2017 bắt 45 vụ. Từ các số liệu thống kê cho thấy số vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép ngày càng tăng và mức độ ngày càng phức tạp”, ông Thắng nói và cho biết, trên vùng biển Cần Giờ, “cát tặc” sử dụng phương tiện sà lan có tải trọng từ 500 - 1.000 tấn, lắp đặt các thiết bị bơm hút trên sà lan và vận chuyển đi tiêu thụ. Cũng theo ông Thắng, việc kiểm tra, xử lý rất kiên quyết nhưng thực tế có khó khăn trong truy bắt vì ở vùng biển, sông giáp ranh giữa các tỉnh, thành, “cát tặc” khi bị phát hiện bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau.
|
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng thừa nhận nạn “cát tặc” tái diễn phức tạp, dai dẳng. “Lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép rất lớn nên các đối tượng vi phạm sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, đánh chìm phương tiện khi bị phát hiện, truy đuổi”, ông Huỳnh Cách Mạng nói. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết trên địa bàn Đồng Nai cũng xuất hiện nạn “cát tặc” lộng hành, gây nhiều bức xúc.
Phối hợp tổ chức truy quét
Trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận có hàng chục dự án nạo vét kết hợp tận thu cát (cát san lấp, xây dựng) do Bộ GTVT cấp phép. Ngoài các dự án tại TP.HCM đang tạm dừng, nhiều dự án ở các tỉnh hầu hết vẫn còn hoạt động. Nhiều ý kiến tại cuộc họp nêu ra bất cập của việc cấp phép này là giám sát không chặt, dường như mạnh ai nấy làm, dẫn đến có nơi phát sinh thêm “cát tặc” khiến việc quản lý càng thêm khó khăn. Lãnh đạo các tỉnh, thành đề nghị Bộ GTVT phải có quy chế phối hợp bài bản, “không thể để đất cát trên địa bàn Bộ cho phép hút mà địa phương không quản được, rồi trên thực tế hút đi bao nhiêu đất cát cũng không biết”.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành cam kết “chấm dứt tình trạng phối hợp không trọn vẹn như thời gian qua”, huy động lực lượng công an, bộ đội biên phòng… phối hợp thường xuyên tổ chức truy quét “cát tặc” trên phạm vi vùng, tránh tình trạng từng địa phương “đánh” riêng lẻ vì cách làm này không mang lại hiệu quả. Đặc biệt, tịch thu phương tiện vi phạm, kiên quyết xử lý hình sự các vụ việc vi phạm.
Bình luận (0)