Từ ADN mẫu tóc, phát hiện manh mối về bệnh cuối đời của nhà soạn nhạc Beethoven

Khánh Như
Khánh Như
23/03/2023 11:15 GMT+7

Các nhà khoa học đã xem xét 5 lọn tóc "chính chủ" và ra giả thuyết về căn bệnh có thể dẫn đến cái chết của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Beethoven.

Gần 200 năm sau khi nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven qua đời, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu ADN từ các sợi tóc của ông để tìm manh mối về các vấn đề sức khỏe và chứng mất thính giác đã hành hạ ông, theo hãng tin AP.

Mặc dù chưa thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến chứng điếc và đau dạ dày, các nhà khoa học đã phát hiện nhà soạn nhạc có thể đã mắc bệnh gan di truyền, cộng với nhiễm trùng viêm gan B vào những tháng cuối đời.

Từ DNA mẫu tóc, phát hiện manh mối về bệnh cuối đời của nhà soạn nhạc Beethoven - Ảnh 1.

Thông qua DNA từ mẫu tóc, các nhà khoa học đã dự đoán nguyên nhân tiềm năng dẫn đến những căn bệnh hành hạ nhà soạn nhạc Beethoven những năm tháng cuối đời

REUTERS

Theo một nghiên cứu được công bố hôm 22.3 trên tạp chí Current Biology, những yếu tố này, cùng với thói quen uống rượu kinh niên, có lẽ đủ để gây ra chứng suy gan mà nhiều người cho là đã giết chết nhà soạn nhạc người Đức.

Ông Axel Schmidt, nhà di truyền học tại Bệnh viện Đại học Bon ở Đức, đồng tác giả bài báo, cho biết: "Đặc biệt với Beethoven, bệnh tật đôi khi là hạn chế rất lớn đối với quá trình sáng tạo của ông. Đối với các bác sĩ, điều gì thực sự đằng sau nó luôn là một bí ẩn".

Trước khi nhà soạn nhạc Beethoven qua đời vào năm 1827, ở tuổi 56, ông đã bày tỏ mong muốn các bác sĩ sẽ nghiên cứu các vấn đề sức khỏe đã hành hạ ông.

Trước đó, việc này tương đối khó khăn. Tuy nhiên, với những tiến bộ trong công nghệ ADN, hiện các nhà nghiên cứu đã có thể lấy manh mối di truyền từ những lọn tóc của Beethoven được cắt ra và được bảo quản như vật kỷ niệm. Theo nghiên cứu, các nhà khoa học tập trung vào 5 lọn tóc "gần như chắc chắn là hàng thật" của ông Beethoven.

Họ cũng đã xem xét 3 lọn tóc khác, nhưng không thể xác nhận chúng thực sự là của Beethoven. Các xét nghiệm trước đây trên một trong những sợi tóc đó cho thấy nhà soạn nhạc bị nhiễm độc chì, nhưng các nhà nghiên cứu kết luận rằng mẫu đó thực sự là của một phụ nữ.

Tác giả nghiên cứu Tristan James Alexander Begg, nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Cambridge (Anh), cho biết sau khi làm sạch từng sợi tóc của Beethoven, các nhà khoa học đã hòa tan các mảnh tóc này thành dung dịch và lấy ra các đoạn ADN.

Tác giả nghiên cứu Johannes Krause, nhà cổ sinh vật học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck của Đức, giải thích rằng việc lấy gen ra là một thách thức, vì ADN trong tóc đã bị cắt thành những mảnh nhỏ.

Sau khi sử dụng gần 10 feet (3 mét) tóc của Beethoven, các nhà khoa học đã có thể ghép thành một bộ gen mà họ có thể "đoán" các dấu hiệu của bệnh di truyền, chuyên gia Krause nói.

Mặc dù nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu di truyền rõ ràng nào về nguyên nhân gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa của Beethoven, nhưng họ phát hiện ra rằng bệnh celiac và chứng không dung nạp đường sữa không phải là nguyên nhân gây bệnh. Trong tương lai, bộ gen có thể cung cấp nhiều manh mối hơn, có thể dùng làm căn cứ để xác định cách gen ảnh hưởng đến sức khỏe, chuyên gia Begg nói.

Nghiên cứu cũng dẫn đến một khám phá đáng ngạc nhiên. Khi kiểm tra ADN từ các thành viên còn sống của đại gia đình Beethoven, các nhà khoa học đã tìm thấy sự khác biệt trong nhiễm sắc thể Y được truyền lại từ phía người cha. Các nhiễm sắc thể Y của 5 người đàn ông được kiểm tra đều khớp với nhau, song chúng không khớp với nhiễm sắc thể của nhà soạn nhạc.

Điều này cho thấy trước khi Beethoven ra đời, trong các thế hệ trước trong gia đình ông đã xuất hiện tình trạng sinh con ngoài giá thú, theo chuyên gia Begg.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.