'Tự do sáng tạo là điều kiện sống còn'

28/11/2023 18:20 GMT+7

Ngày 28.11, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) và Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ".

Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nhiều năm qua, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, từ Đề cương về Văn hóa năm 1943 đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức năm 1946 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. 

'Đào tạo, hỗ trợ nhà văn mới - từ mô hình khởi nghiệp' - Ảnh 1.

Những ý kiến góp ý, gợi mở tại hội thảo sẽ là nguồn tư liệu quý nhằm tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng sáng tác trẻ

TRANG NHUNG

Năm 2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ chủ trì. Hội nghị đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam.

"Những nhà văn trẻ sớm đặt ra cho mình nguồn cảm hứng để sáng tạo những tác phẩm văn học xứng tầm, cần suy ngẫm để nâng cao năng lực, hiểu biết về lĩnh vực cần sự tinh tế này, từ đó có cách nhìn nhận, ứng xử đúng với các tác giả, tác phẩm khơi dậy sức sáng tạo của những người cầm bút trên tinh thần "tự do sáng tạo là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn học", ông Trần Hướng Dương khẳng định.

PGS - TS Phạm Xuân Thạch (khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận, nếu đối chiếu mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp với đời sống văn học, có thể thấy những tác nhân khởi nghiệp chính là các nhà văn. Xét từ bình diện tâm lý học sáng tạo thì ý tưởng nghệ thuật, thậm chí tư tưởng nghệ thuật xuất phát từ khát vọng sáng tạo cá nhân của nhà văn, từ sự đam mê văn học và sáng tạo văn học. 

"Theo một mô hình truyền thống, ý tưởng đó phải gặp gỡ với ý chí đầu tư của nhà xuất bản, thiết chế sẽ triển khai tiến trình sản xuất và kinh doanh để biến "bản mẫu", bản thảo của nhà văn trở thành sách, những sản phẩm văn hóa để đưa vào mạng lưới phát hành với mục tiêu là được công chúng tiêu thụ", ông Thạch nói.

"Trong đời sống văn học, nhà xuất bản hay chính xác hơn, các thiết chế sản xuất và kinh doanh xuất bản sẽ giữ vai trò của các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp để có thể biến những sản phẩm tinh thần của nhà văn thành những sản phẩm văn hóa được đại chúng tiêu thụ", ông Phạm Xuân Thạch nhấn mạnh.

Đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể cho việc hỗ trợ sáng tác văn học cho các tác giả trẻ, TS, nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang (Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế) cho rằng, trước hết, cơ quan quản lý văn học nghệ thuật cần đề ra các bộ tiêu chí cụ thể về đề tài, thể loại, dung lượng, đối tượng… dựa vào yêu cầu của nền văn học nước nhà và ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này, từ đó có thể nêu ra những yêu cầu cụ thể hơn. 

Ông Giang đề xuất: Tăng cường việc tổ chức các trại sáng tác chuyên ngành cho các tác giả trẻ để đào sâu những vấn đề cần khai thác, kết hợp tổ chức công bố tác phẩm sau khi kết thúc trại để giới thiệu cho đông đảo công chúng thưởng thức tác phẩm mới. Cải thiện, nâng cao và có sự đầu tư, hỗ trợ khác nhau về kinh phí sáng tạo cho các tác giả trẻ.

"Bên cạnh đó, tạo ra một phương thức khác là hỗ trợ sau khi tác phẩm đã hoàn thành, được một hội đồng chuyên môn đánh giá là tác phẩm có quy mô và chất lượng cao và tổ chức nhiều hơn các hội thảo, các sân chơi văn chương cho người trẻ, có chiến lược quảng bá tác phẩm của tác giả trẻ ra nước ngoài…", nhà văn Lê Vũ Trường Giang nói thêm.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.