Mỗi chiếc cầu có chiều dài hơn 100 m, rộng 1,2 m, được xây dựng từ năm 2010 bằng nguồn kinh phí do người dân xã Đăk Ang (H.Ngọc Hồi, Kon Tum) đóng góp.
Qua nhiều năm sử dụng, cầu bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng; nhiều tấm ván lát mặt cầu mục nát rơi xuống sông. Để qua lại, người dân phải tự kiếm ván chèn vào. Biết là hiểm nguy, nhưng để lên nương rẫy sản xuất và vận chuyển nông sản về nhà, bà con đành phải liều đi qua 2 chiếc cầu này.
Tận mắt quan sát 2 cầu treo Đăk Xút 1 và Đăk Xút 2, chúng tôi mới hiểu được những bức xúc của người dân. Những ngày này, khi Tây nguyên vào giữa mùa mưa, những tấm ván lát mặt cầu đã mục càng thêm ngấm nước, có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào; sắt thép dầm cầu và dây văng bị hoen gỉ, đứt rời; những chiếc đai ốc liên kết mặt cầu cũng bị hoen gỉ và hư hỏng...
Ông A Lê, Trưởng thôn Đăk Xút, nói với chúng tôi: “Cầu treo bắt đầu hư hỏng, xuống cấp từ năm 2014 đến nay nhưng người dân tự sửa chữa, kiếm cây và ván chèn vào những chỗ hư hỏng để qua lại. Cũng vì cầu hư hỏng, giá thu mua nông sản giảm hẳn”.
Ông Nguyễn Ngọc Thất, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Ang, cho biết: Chính quyền địa phương đã đề nghị ngành chức năng đầu tư kinh phí khắc phục hư hỏng của 2 cầu treo này. Tuy nhiên, đối với cầu treo Đăk Xút 2, Bộ GTVT không nhất trí phương án sửa chữa, vì sợ sẽ ảnh hưởng đến hành lang an toàn của hệ thống đường Hồ Chí Minh. Để đảm bảo an toàn, trước mắt địa phương vận động bà con không được vượt sông qua cầu Đăk Xút 2. Đối với cầu treo Đăk Xút 1, UBND H.Ngọc Hồi đã có phương án sửa chữa trong thời gian tới.
Trong khi chờ ngành chức năng khắc phục, người dân địa phương vẫn phải lưu thông qua 2 chiếc cầu này, đánh đu với rủi may.
Bình luận (0)