(iHay) Quê mình (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) có nhiều món ăn vặt rất dân dã nhưng hễ xa là nhớ. Cũng có không ít món ăn sáng hễ thấy nhớ là biết mình… đã xa quê.
Bánh canh chả cá
|
Một trong những món có “hương gây mùi nhớ” ấy là bánh canh chả cá. Có vẻ như bánh canh cũng… có mùa. Thật ra thì mùa nào bánh canh cũng ngọt ngào, cũng thơm phức. Nhưng vì chất liệu chả cá, người bạn “đồng hành” của bánh canh, mỗi mùa một khác nên ngoài cái “mẫu số chung” là thơm phức ngọt ngào ra, bánh canh từng mùa còn có hương vị rất riêng, rất thú vị.
Ví như mùa xuân, con cá chuồn đã “được” vặt cánh trước khi thành viên chả bỗng dưng… cất đôi cánh chất lượng mà bay lên, thịt săn cứng, đậm đà, rất ngon miệng khiến sợi bánh canh, nước bánh canh cũng ngọt ngào theo.
Mùa hạ, cá thu nhiều nhưng người ta không dám chọn cá này để làm chả thả vô nồi bánh canh vì giá cả… sang chảnh quá. Chỉ giỗ chạp, tiệc tùng, lễ lạt mới làm chả cá thu thôi. Còn thì cứ lấy cá chai làm loại cá “chiến lược” cho mùa này. Cá chai tuy không… đẹp trai nhưng ngon cực. Thịt cá chai dai dai, càng nhai càng béo. Cái bụng đói đang sôi réo mà gặp bánh canh chả cá chai thì “like” ngay. Cứ chén nọ nối tiếp chén kia, húp xoàn xoạt mà không thấy ngán.
Ở miền Trung, mùa thu không rõ rệt lắm nhưng cứ nhìn rổ cá của ngư dân thì biết liền. Những con cá đục, cá rựa tháng 8, tháng 9 thịt ráo, nạo xong cho vào cối đá giã nhuyễn cùng gia vị rồi đem hấp, hương thơm bay khắp xóm. Bánh canh “đi” với chả được làm từ hai loại cá này ngon… líu lưỡi luôn.
Còn những ngày đông mưa dầm gió dãi, những con cá nhồng, cá thửng, cá tào lao khi “hóa thân” thành chả cũng ngon không kém gì “chả cá mùa thu”. Những viên chả màu trắng sữa, ngọt, cay, và thơm đã thật sự là điểm nhấn của nồi bánh canh khi mùa gió lạnh về.
Người quê nếp nghĩ cũng quê. Mình quả quyết rằng bánh canh mua về nhà ăn thì độ ngon có giảm đi chút đỉnh. Vì sao? Vì mất đi cái “hiện trường” nồi bánh canh bốc khói thơm… tận thiên tào.
|
Vì không được thấy dì Sáu, cô Tư, thím Bảy thoăn thoắt múc bánh canh, năm ngón tay nhanh nhẹn rắc hành rắc tiêu vào chén trước khi đưa cho khách. Vì không được ngồi trên cái đòn tre vừa xì xụp húp bánh canh, nhỏ nhẻ nhai miếng chả cá, vừa xuýt xoa “thông tin” với người bên cạnh rằng “chả cá mùa này ngon đâu có thua gì mùa kia”; “gạo lúa mới hèn chi con bánh canh vừa dai vừa mềm mại”; “trời lành lạnh vầy ăn bánh canh thiệt ấm lòng”...
Có lần tôi rất ngạc nhiên khi thấy một họa sĩ danh giá người Hà Nội ngồi húp bánh canh với mấy sinh viên mỹ thuật trong căn lều lợp lá dừa dưới gốc cây sầu đâu. Ăn xong, ông “sư phụ” và các học trò ra ngoài “lén” kí họa khung cảnh ba bốn người đang “chăm chỉ” húp bánh canh bên trong. Ông ta còn nói ở đây có cái “văn hóa bánh canh” hay đáo để. Mình nghe mà sướng lịm sườn luôn.
Những người bạn của mình ở phố về cũng thích “tắm” trong không gian của những căn chòi bán bánh canh; thậm chí, gánh bánh canh trần trụi giữa trời ở ngã ba đường làng. Thương quá, cảm động quá khi có đứa là Việt kiều, đeo dạ dày bò trước bụng, mặc áo thun, quần sọt, đi giày thể thao cũng cứ tỉnh bơ ngồi đòn tre và… húp. Chợt nghĩ, những người con xa quê lâu năm còn… tơ tưởng và trân trọng bánh canh như thế, mình ở quê mắc mớ gì quên. Vậy nên mặc ai tự hào cao lương mỹ vị của họ làm gì làm, mình là mình vẫn cứ… “tự hào” bánh canh quê.
Trần Cao Duyên
>> Lạ miệng phở trộn chua ngọt
>> Người đau dạ dày nên tránh ăn uống thứ gì?
>> Bù chải rang me ngon khó cưỡng
>> Tới Cát Bà nhớ ăn bánh sắn
Bình luận (0)