Tự hào gốm Việt: Thủy tộc trên tửu cụ gốm Việt

24/10/2021 07:00 GMT+7

Gốm Việt cổ , khi đến thời Lê Mạc (1527 - 1592) và Lê Trung hưng (1533 - 1788), bắt đầu xuất hiện những tạo dáng khác lạ, nổi bật là các ấm rượu hình tôm cá.

Ở thời Lê sơ (1428 - 1527), gốm Việt lẫy lừng với hoa lam Chu Đậu, xuất dương giao thương qua các trung tâm kinh tế lớn và cảng thị sôi động như vùng Thăng Long - Kẻ Chợ, Phố Hiến, bến Vân Đồn, Hội An... Việc phát triển kinh tế cộng với ổn định đương triều khiến Đại Việt thêm hùng mạnh. Nhà Mạc lên ngôi, không được “người cũ” hậu thuẫn, nội bộ lủng củng với “phù Lê diệt Mạc” khiến đất nước lộn xộn, hẳn cũng là nguyên do khiến tay nghề lẫy lừng của gốm hoa lam thành thất truyền.

Biểu tượng dư đầy, hạnh phúc qua tạo hình cá cõng tôm, gốm Lê Trung hưng

Hiếu Trần

Nhưng cũng ở thời Mạc, nhờ hệ tư tưởng Tam giáo đồng nguyên được phục hồi và phát triển mạnh, các nghề thủ công phục vụ việc thờ tự trở nên được mùa, trong đó có gốm. Khi đình làng, chùa, quán... nườm nượp xây dựng, kéo theo nghề gốm với những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu phục vụ thờ tự như chân đèn, lư hương, và độc đáo hơn cả là loại hình ấm rượu (tửu cụ) dùng cho nghi lễ chốn thờ tự linh thiêng. Một trong số những đặc trưng dễ nhận diện khi nói về gốm Mạc, ấy là màu men lam xám.

Nhìn lại chuỗi phát triển gốm Việt cổ từ thời Lý, ngoài số ít gốm men ngọc thời Trần có minh văn nơi sản xuất là phủ Thiên Trường, vài hiện vật hoa lam Chu Đậu có minh văn tên người tác tạo hoặc địa danh tác tạo, thì gốm Mạc, đặc biệt là đồ lam xám, yếu tố nghệ nhân đã được chú trọng, tên tuổi người chế tác gốm được vinh danh, với nhân vật tiêu biểu là Đặng Huyền Thông, người Hùng Thắng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách.

Kỹ thuật tạo hình sinh động, chấm men ngẫu hứng tạo hiệu ứng màu sắc khác lạ trên gốm cổ Lê Trung hưng

Phong An

Trong số đồ thờ cúng, tế tự ở tư gia hoặc đình - chùa - quán, tửu cụ đóng vai trò quan trọng trong nghi thức cúng tế, nên được thợ gốm chú tâm trau chuốt ở tạo hình. Trong gốm men lam xám thời Mạc, tửu cụ xuất hiện khá nhiều, tiêu biểu là ấm rượu hình nghê, hình thủy tộc tôm cá. Trong bộ sưu tập gốm Việt cổ của nhà sưu tập Lê Hồng (Hải Phòng), anh giới thiệu một ấm rượu hình cá với tạo hình thật sinh động. Chỉ một màu lam xám, nhưng nhờ lối phủ men đậm nhạt, vẻ như ngẫu nhiên, không chủ ý, tạo cho hiện vật như được khoác thêm tấm áo biểu đạt phong thái thâm trầm, sâu lắng. Lớp men độc sắc ấy lại tôn vẻ đẹp những kỹ thuật chế tác gốm đầy phức tạp, từ bàn xoay, cắt, dán, in, khắc, tỉa, chấm men, bỏ men... trên cốt đầy, dày, thô, nặng, rồi phải qua kỹ thuật lửa lò chắc tay, hiện vật mới trở nên hoàn hảo cả dáng - da như thế.

Qua đến thời Lê Trung hưng, hình tượng thủy tộc vẫn được sử dụng và có phần nhiều hơn so với gốm thời Mạc. Điểm nhận diện của gốm ở thời kỳ này là sử dụng men nhiều màu với các màu chủ đạo gồm xanh, lam, vàng nhạt... Nếu ở gốm Mạc, tửu cụ ít gặp hình tượng cặp đôi, chỉ thấy nghê, tôm, hoặc cá đi riêng lẻ, thì ở gốm men nhiều màu thời Lê Trung hưng, tôm - cá được sánh đôi, cõng nhau thành tửu cụ.

Nguyên do sử dụng hình tượng tôm cá vào đồ tế tự nơi linh thiêng, bởi đất nước có nền văn minh lúa nước lâu đời, cuộc sống phụ thuộc thời tiết, mưa xuống mùa màng tốt tươi, thủy tộc sinh sôi nảy nở nuôi sống con người. Thợ gốm đưa hình tượng tôm cá vào ấm rượu dâng cúng, hẳn gửi gắm trong đó ước vọng mưa thuận gió hòa, tôm cá dạt dào, con người ấm no hạnh phúc, đất nước giàu mạnh.

Tửu cụ hình cá thuộc dòng gốm men lam xám thời Mạc

Phong An

Ở một lý giải khác, âm “ngư” - cá, đồng âm với “dư” - dư giả. Cùng hệ thủy tộc, con tôm cũng là đề tài quen thuộc được đưa vào gốm, chữ “tôm” phát âm là “há”, đồng âm với tiếng cười, được tượng trưng cho niềm vui, may mắn, sum vầy, hạnh phúc. Lấy hai nghĩa ẩn dụ để tạo hình con cá cõng tôm chính là ước muốn của sự dư giả, hạnh phúc trong đời sống người đương thời.

Những gù gù lưng tôm - vây vây mình cá, được thợ gốm thể hiện bằng hình tượng rất sống động. Đây thực sự là một sáng tạo độc đáo, mang dấu ấn nổi bật trong dòng gốm Việt cổ. Những đường nét tinh tế trên tôm, từ râu, vỏ, mắt... hay những hình hài của cá được thể hiện qua vảy, mang, đuôi... khi ráp lại thành cặp đôi, dáng thế cả tôm - cá uyển chuyển, bổ sung cho nhau thật sống động, hài hòa. Thợ gốm đẩy được cái hồn khiến cho tửu cụ thực sự thăng hoa lên một bậc, không dừng lại ở sản phẩm thông thường, mà xứng là tác phẩm nghệ thuật.

Kỹ thuật men gốm của thời Lê Trung hưng cũng là chi tiết đẹp của gốm Việt cổ. Sử dụng lối phủ men, với các màu cơ bản như lục, vàng nhạt là phổ biến trên nền cốt gốm trắng ngà. Men được phủ cho chảy tự nhiên, kết hợp hỏa biến lửa lò, tạo nên các sắc độ đậm - lợt một cách rất vô tình chứ không hề có chủ ý, khiến cho tôm - cá càng thêm duyên dáng, đẹp một nét rất lạ, tự nhiên, hiếm gặp trên các dòng gốm Việt khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.