Lúc đó tôi ấn tượng rằng đô thị này có không gian thoáng đãng, vừa hiện đại, vừa nghĩa tình và thực sự trở thành “cung đường mùa xuân” lan tỏa trong cộng đồng.
Phú Mỹ Hưng giờ được xem là đô thị sinh thái tốt nhất tại TP.HCM với một cộng đồng dân cư văn minh hiện đại, có chức năng tiêu biểu về tài chính, thương mại, dịch vụ, cư trú, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật cao. Nơi đây cho tôi cảm giác an toàn, thân thiện. Có lần đi bộ dưới lòng đường ở ngay ngã ba Bùi Bằng Đoàn - Đường 2, tôi không hề hay biết có chiếc xe ôtô phía sau từ trong hẻm đi ra phải đợi mình, làm cho các xe khác ùn lại phía sau. Lát sau có người đi đối diện nhắc nhở nên tôi quay lại mới thấy và vội tránh sang một bên, lúc đó chiếc xe ôtô mới từ từ chuyển bánh. Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng vì không nghe tiếng còi xin đường gay gắt như vẫn thường thấy!
Từ khi có cầu Phú Mỹ nối quận 2 với quận 7, quãng đường từ nhà tôi ở quận 9 đến Phú Mỹ Hưng gần hơn, chỉ mất khoảng 10 phút chạy xe máy qua đường Võ Chí Công. Cuối tuần đến Phú Mỹ Hưng tôi gởi xe ở Trung tâm mua sắm Crescent Mall, đi dạo bộ trên đường Tôn Dật Tiên dài hơn 1 km rồi qua cầu Ánh Sao đến công viên rộng lớn quy tụ hàng trăm cây xanh, hoa kiểng.
Phố đi bộ trên đường Tôn Dật Tiên thiết kế là không gian mở, với nhiều đường nhánh kết nối và được mô phỏng giống cung đường cong bám theo hồ Bán Nguyệt cùng hàng cây xanh, hoa kiểng kết hợp với đèn chiếu sáng trang trí đổi màu, nối 2 khu chức năng kênh đào và Crescent Mall. Dọc phố đi bộ sạch sẽ, có những thùng rác 2 ngăn cho loại rác tái chế, không tái chế. Theo tôi, đây chính là phố đi bộ đầu tiên ở TP.HCM, là điểm tụ tập vui chơi của người dân thành phố trong các sự kiện trọng đại hay những dịp lễ, tết. Phố đi bộ ra đời không những phục vụ người dân cư ngụ ở Phú Mỹ Hưng mà còn đáp ứng nhu cầu tất yếu của một đô thị hiện đại.
Cầu Ánh Sao với hình dạng chiếc cầu cong như vầng trăng khuyết, là điểm nhấn độc đáo của Phú Mỹ Hưng. Hệ thống chiếu sáng hai bên sườn cầu kết hợp với hệ thống phun nước nghệ thuật có đèn đổi màu lung linh huyền ảo, tạo nên nét chấm phá hấp dẫn về đêm cho lòng hồ Bán Nguyệt. Khu vực này trở thành không gian hội tụ vừa gần gũi và hấp dẫn cho một đô thị văn minh gắn với văn hóa cộng đồng, dễ dàng tái hiện không gian “trên bến dưới thuyền” của đời sống sông nước Nam bộ vốn in đậm trong lòng người dân Việt Nam.
Tôi từng đến Thái Lan và chứng kiến họ khai thác một dòng kênh ở thủ đô Bangkok để kinh doanh du thuyền, ẩm thực, tạo được một ấn tượng tốt trong lòng du khách. Tôi mong sao Phú Mỹ Hưng tận dụng được dòng kênh đào cùng với hồ Bán Nguyệt để khai thác du thuyền và kết hợp kinh doanh ẩm thực truyền thống các món ăn Nam bộ vào buổi tối. Điều đó sẽ làm cho không gian ở đây sống động và ý nghĩa hơn nữa. Ngoài hiệu quả kinh tế và phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn sông nước cho người dân địa phương, đây còn là nơi giải trí cho khách du lịch quốc tế, đồng thời giới thiệu với họ về lịch sử hình thành và phát triển Phú Mỹ Hưng.
Bình luận (0)