Chúng ta nên thừa nhận, thậm chí có thể tự hào về kết quả cuộc thi khảo sát PISA vừa được công bố, trong đó học sinh VN được xếp hạng cao, cao hơn hẳn các nước phát triển như Anh, Mỹ... Sở dĩ nói như thế vì có nhiều người băn khoăn, so với sự yếu kém của nền giáo dục VN mà ai cũng thấy, liệu kết quả đó có chính xác, khách quan không?
Không như nhiều bạn lo ngại. VN không chỉ chọn học sinh giỏi như từ trường Hà Nội - Amsterdam hay Lê Hồng Phong (TP.HCM)... để thi. Kỳ thi này được tổ chức vào ngày 12.4.2012 với 5.670 học sinh ở 162 trường (mỗi trường 35 học sinh) thuộc 59 tỉnh, thành phố. Tức học sinh được chọn ngẫu nhiên chứ không chỉ học sinh giỏi. Riêng về việc dịch đề thi hay cách chấm bài thi (có khách quan không) thì tôi chưa có thông tin.
Kết quả này cũng trùng khớp với nhận xét của nhiều người từng nói trước đó: học sinh VN nhìn chung giỏi toán và các môn tự nhiên hơn so với học sinh các nước như Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ:
1. Vì sao lớp 10 thì kết quả khá tốt như thế nhưng lên đại học và tốt nghiệp đại học thì sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, như than phiền của nhiều doanh nghiệp?
2. Vì sao chúng ta vẫn nằm ở mức thấp của các bậc thang giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ một chiếc áo sơ mi bán với giá 20 USD thì VN chỉ thu chưa được 1 USD tiền công cắt may. Hay chiếc điện thoại Samsung vài trăm USD thì giá trị do công nhân VN tạo ra qua công đoạn lắp ráp chỉ là vài ba USD mà thôi.
3. Như vậy giáo dục phải cải cách như thế nào để khắc phục hai điểm trên? Đó mới là điều quan trọng chứ không phải là khoe khoang hay dè bỉu về thứ bậc trong kỳ thi PISA.
PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của người học
Cuối giờ chiều hôm qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp những thông tin xung quanh kết quả kỳ thi khảo sát đánh giá PISA 2012 (kỳ thi khảo sát đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh lứa tuổi 15 trên thế giới) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) vừa công bố. Có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ được công bố kết quả. VN đứng trong tốp 20 nước có điểm chuẩn các lĩnh vực cao hơn 500 và đứng thứ 17/65 về toán học - lĩnh vực trọng tâm của kỳ thi PISA 2012. Trong khi điểm trung bình là 494 thì học sinh VN đạt 511, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển mà OECD khảo sát như: Áo, Úc, Đan Mạch, Pháp, Anh, Luxembourg, Na Uy, Mỹ, Thụy Điển, Hungary, Israel, Hy Lạp... Về kỹ năng đọc hiểu, VN thứ 19/65, môn khoa học thứ 8/65 (điểm trung bình là 501 thì VN đạt 528). Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định kết quả này hoàn toàn chính xác và khách quan vì VN đã thực hiện nghiêm túc và bài bản các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của OECD. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ: “Bộ GD-ĐT cũng rất bất ngờ với kết quả này. Tuy nhiên cũng không vì thế mà có thể yên tâm về chất lượng giáo dục của nước ta. Chúng ta vui mừng khi hơn các nước ở một số môn nhưng cũng cần hiểu rằng PISA không đánh giá được toàn bộ năng lực của người học”. Cũng theo ông Hiển, kết quả này sẽ giúp cho việc xây dựng đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cần tập trung vào vấn đề gì. Tuyết Mai |
Nguyễn Vạn Phú
>> Trình độ khoa học của học sinh Việt Nam thuộc hạng 'sao
Bình luận (0)