>> Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phước Lộc: Khơi dậy tinh thần tình nguyện
Trong diễn văn chào mừng ngày kỷ niệm truyền thống thành lập Hội, anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam đã điểm lại quá trình hình thành và phát triển lớn mạnh không ngừng của Hội.
Anh Nguyễn Phước Lộc cho biết, trải qua quá trình lịch sử cách mạng, lớp lớp các thế hệ thanh niên và Hội LHTN Việt Nam đã hun đúc nên truyền thống yêu nước nồng nàn, một lòng trung thành với chế độ, với lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu; truyền thống gắn bó, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; truyền thống của đội quân xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, dám đón lấy những nhiệm vụ nặng nề mà lịch sử giao phó, dám đi đến những nơi gian khổ nhất, khi Đảng và nhân dân kêu gọi, thanh niên luôn sẵn sàng với tinh thần tự giác cao…
Đến tham dự lễ kỷ niệm có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban MTTQVN; ông Nông Quốc Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; anh Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; các Bí thư T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành đoàn thể; các đồng chí nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; đại diện các Mẹ VN anh hùng, mẹ liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang; đại diện gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phạm Huy Thông… |
Đến nay, Hội LHTN Việt Nam có hệ thống ở 4 cấp từ trung ương đến cơ sở với tổng số trên 8 triệu hội viên. Các thành viên tập thể của Hội không ngừng được củng cố, xây dựng và mở rộng. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt chính trị; các Hội thành viên được thành lập như: Hội Sinh viên VN, Hội Doanh nhân trẻ VN, Hội Thầy thuốc trẻ VN, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ VN, Hội Thanh niên Khuyết tật VN… ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực vì cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, tạo nên sự đa dạng của Hội.
"Trong lịch sử của mình, trải qua các thời kỳ cách mạnh, dù mang tên gọi khác nhau nhưng tính chất, mục tiêu của Hội chỉ là một. Đó là đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên, khơi dậy, khích lệ lòng yêu nước, niềm tự hào tự tôn dân tộc, để mỗi thanh niên dù xuất thân từ bất cứ giai tầng nào mang dòng máu VN đều có thể phát huy cao nhất khả năng của mình cống hiến cho Tổ quốc VN vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" - anh Nguyễn Phước Lộc kết luận.
Anh Nguyễn Phước Lộc cũng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, các phong trào, các cuộc vận động do Hội LHTN VN phát động, như: “Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập”; “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo”; “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”; “Thanh niên vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc”; “Thanh niên sống đẹp”; “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường”; “Khi Tổ quốc cần”... tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ, thôi thúc và thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia.
Theo anh Nguyễn Phước Lộc, trước yêu cầu của tình hình mới, Ban Chấp hành T.Ư Đoàn mong muốn Hội LHTN Việt Nam tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ngày một phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhiều đối tượng, tầng lớp thanh niên; tạo màu sắc và sức hấp dẫn trong các hoạt động của Hội đối với thanh niên; tiếp tục mở rộng hơn nữa mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, đặc biệt là thanh niên VN đang sinh sống, học tập ở ngoài nước, tập hợp đoàn kết thanh niên trên mạng Internet; quan tâm đến các đối tượng thanh niên yếu thế, thanh niên chậm tiến.
“Hội phải là người bạn gần gũi, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội cho thanh niên, đồng hành với thanh niên trong học tập, lao động và rèn luyện, khơi dậy tiềm năng và phát huy khả năng sáng tạo to lớn trong thanh niên, cùng với Đoàn Thanh niên bồi dưỡng và xây dựng lớp thanh niên tiên tiến, đi đầu trên các lĩnh vực, hiệu triệu đông đảo thanh thiếu nhi noi theo”, anh Nguyễn Phước Lộc đúc kết.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu
tại lễ kỷ niệm - Ảnh: Ngọc Thắng
Thay mặt lãnh đạo Đảng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao và chúc mừng những đóng góp to lớn của Hội, của thanh niên VN trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thanh niên ta luôn nêu cao truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng, hăng hái đi đầu trong mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
“Đảng ta luôn đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người, coi việc chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.
Thay mặt Đảng, phát biểu chỉ đạo, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Hội LHTN Việt Nam các cấp cần ra sức phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên, gắn chặt hoạt động của mình vào lợi ích của đất nước, tạo ra phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ, liên tục, toàn diện, làm cho tinh thần tình nguyện thấm sâu vào mọi tầng lớp thanh niên”.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: Hội LHTN Việt Nam các cấp cần tiếp tục đi sâu, đi sát, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, lòng yêu nước, lý tưởng và đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh cho hội viên, thanh niên, làm cho mọi thanh niên nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như vai trò, vị trí của bản thân và của cả thế hệ thanh niên hiện nay trước Tổ quốc, trước nhân dân. Cần ra sức phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên, gắn chặt hoạt động của mình vào lợi ích của đất nước, tạo ra phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ, liên tục, tiếp tục phát huy rộng khắp phong trào tình nguyện đang được tuổi trẻ hưởng ứng và xã hội hoan nghênh, làm cho tinh thần tình nguyện thấm sâu vào mọi tầng lớp thanh niên.
Thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn hứa sẽ trân trọng tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Đồng thời sẽ chung vai sát cánh cùng Hội LHTN Việt Nam để thực hiện thực tốt các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
|
|
Ngay sau phần mít tinh, lễ tuyên dương và trao Giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” và Giải thưởng “15 tháng 10” đã được tiến hành nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc với những thành tích đóng góp vì cộng đồng và xã hội. (Thành Trung - Trí Quang)
55 năm - Một chặng đường vẻ vang (*) Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Ban Thường vụ Trung ương (T.Ư) Đảng chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị hình thành mặt trận đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên lấy tên là Đoàn thanh niên Việt Nam. Tháng 6.1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - một tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
(*) Tựa do Thanh Niên Online đặt |
Chung một khát vọng cống hiến sức trẻ Nhân kỷ niệm 55 ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam, có 55 thanh niên tiêu biểu được trao Giải thưởng "15 tháng 10". Mỗi người có một công việc, đến từ các tỉnh thành khác nhau nhưng tất cả đều chung một khác vọng cống hiến sức trẻ cho đất nước. Thanh Niên Online đã có cuộc gặp gỡ bốn gương mặt đạt Giải thưởng "15 tháng 10" để hiểu thêm... Lý A Sử: Nhận bằng cử nhân về quê làm… nông dân
Trước đây, bà con xã La Pán Tẩn chỉ canh tác một vụ lúa. Thu hoạch xong, chẳng làm thêm gì nên bà con cứ chơi dài chờ đến vụ sang năm. Vào mùa giáp hạt, nhiều hộ gia đình rơi vào tình cảnh đứt bữa vì hết cái ăn. Thấy thế, ngay khi còn là sinh viên, Sử tìm cách đem kiến thức sau mỗi bài học, thực hành trên mảnh đất quê hương với các gia đình trong họ tộc. Ngay vụ đầu tiên, nhiều gia đình đã có tiền dư từ bán nông sản. Thành quả ấy là bằng chứng thuyết phục nhất để Sử vận động người dân trong xã thay đổi tập quán canh tác. Chỉ sau hai năm, gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trong xã đều canh tác thêm vụ đông xuân. Người dân La Pán Tẩn bước đầu thoát khỏi tình trạng thiếu lương thực trong mùa giáp hạt. Sau đó, Sử tiếp tục nghiên cứu hiện thực hóa ước mơ làm trang trại kinh tế đầu tiên trong xã và đang sở hữu trang trại nuôi nhiều nhím nhất xã, cùng hàng trăm con gia súc, gia cầm. Cộng cả số tiền thu hoạch từ 3 hecta thảo quả, mỗi năm mô hình kinh tế của Sử cho thu nhập gần trăm triệu đồng. Từ thành công của mình và là Ủy viên thư ký, Hội LHTN VN xã La Pán Tẩn, Sử tiếp cận, thuyết phục thanh niên làm theo mình để phát triển kinh tế. Chia sẻ với Thanh Niên Online, Sử trải lòng, có tận mắt chứng kiến cuộc sống người dân từng bước đi lên, mới thấy quyết định của mình hoàn toàn đúng đắn. “Tôi vẫn chia sẻ với các bạn thanh niên rằng, chẳng cần tìm việc ở đâu xa, nếu cần cù chịu khó, biết tính toán thì hoàn toàn có thể thoát nghèo thậm chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, Lý A Sử chia sẻ. (Hoàng Phan) Phan Văn Minh: Đến với thanh niên bằng cái tâm
Mười một năm gắn bó với công tác Đoàn - Hội là chừng ấy năm anh Minh được hầu như các bạn trẻ ở Q.Phú Nhuận biết đến. Bước chân anh đã đi khắp các khu phố, đến tận nhà để vận động thanh niên tham gia vào Hội. Địa bàn Q.Phú Nhuận có hơn 30.000 thanh niên. Trong đó, có khoảng 15.000 thanh niên là hội viên của Hội LHTN VN Q.Phú Nhuận. Đó là con số không nhỏ hội viên tại một địa bàn dân cư, với rất nhiều đối tượng từ học sinh - sinh viên, công nhân lao động và cả những thanh niên đã từng hoặc có nguy cơ “nhúng chàm” bởi những tệ nạn xã hội. Vì vậy mà với từng đối tượng thanh niên trên địa bàn, Hội LHTN VN Q.Phú Nhuận đều tìm ra những hoạt động riêng, phù hợp. Trong đó, phong trào thanh niên của Q.Phú Nhuận mạnh nhất là các hoạt động gắn với tay nghề chuyên môn của thanh niên lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ thanh niên vay vốn lập nghiệp, sân chơi cuối tháng cho thanh niên công nhân lao động…
“Một người làm tốt công tác Đoàn, phong trào thanh niên, cần có cái tâm. Đó là sự nhiệt tình, sôi nổi, chịu khó tìm hiểu, đến với từng đối tượng bạn trẻ. Đồng thời phải có cái tầm để tổ chức phong trào hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của các đối tượng thanh niên”, anh Minh đúc kết. (Nguyên Mi) Nguyễn Văn Hoạt: Người thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân Ở tuổi U.40, bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viên đa khoa tỉnh Bắc Giang mới bắt đầu đến với hoạt động Hội. Tuy nhiên, với tinh thần, nhiệt huyết, người bác sĩ thanh niên này đã có nhiều sáng kiến cho phong trào Hội thầy thuốc trẻ Bắc Giang.
Hai năm trên cương vị Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang, bác sĩ Nguyễn Văn Hoạt đã chủ động đề xuất với các bệnh viện tổ chức chương trình khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Hội thầy thuốc trẻ cũng tham gia khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho 3.000 đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách; mổ mắt miễn phí cho 50 người già có hoàn cảnh khó khăn; tập huấn các phương pháp sơ cấp cứu và tư vấn dinh dưỡng cho 2.000 người tại các trường học trên địa bàn tỉnh; vận động y, bác sĩ hiến máu tình nguyện. Bác sĩ Hoạt tâm sự: “Khi chưa có tổ chức Hội thầy thuốc trẻ, nhiều bác sĩ mong muốn làm từ thiện cũng không có cơ hội vì thiếu kinh phí. Nay, Hội đã vận động các nhà hảo tham gia đồng hành. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người nghèo được tiếp cận với bệnh viện, được khám, chữa bệnh. Còn những người thầy thuốc cảm thấy vui lây vì đóng góp nhỏ nhoi của mình. Nhưng điều mà nhiều y, bác sĩ trẻ thấm thía hơn cả là cần phải học hỏi nâng cao tay nghề và trau dồi y đức”. (Thu Hằng) Trần Phước Nguyên: Công tác Đoàn - Hội giúp tôi trưởng thành “Nếu chọn lại, tôi vẫn hoạt động thanh niên, làm công tác Đoàn - Hội”, chàng trai 27 tuổi Trần Phước Nguyên khẳng khái với quyết định và con đường đi mình đã chọn. Khi còn là học sinh phổ thông, trong khi các bạn luôn tranh thủ thời gian ngoài giờ học chính khóa để “chạy sô” học thêm thì Nguyên lại chọn cách sử dụng thời gian khác. Cậu học sinh ngày ấy tham gia vào đội công tác xã hội của trường, đến những vùng dân cư khó khăn, giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ hay làm vệ sinh khu phố trên địa bàn mình sinh sống. “Khi đó, do còn ở lứa tuổi học sinh nên hoạt động xã hội chỉ ở địa bàn cư trú. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ cho mình thấy rằng, xung quanh còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ và có những việc làm nhỏ nhưng sẽ góp sức giảm bớt vất vả và đem lại niềm vui cho người khác”, Nguyên tâm sự. Thế là dần dà, Nguyên gắn bó với các hoạt động thanh niên, Đoàn - Hội tại phường, quận và trở thành Phó chủ tịch Hội LHTN VN Q.10.
Cũng là một bạn trẻ 8x nên Nguyên thấy rõ thực tế hoạt động của thanh niên rất phong phú vì vậy Đoàn - Hội LHTN cần có nhiều nội dung và môi trường tập hợp thanh niên. “Để các bạn đến với mình trước hết mình phải đến với các hoạt động hiện có của các bạn, đến với những sở thích, nguyện vọng của các bạn”, Nguyên lý giải. Hiện nay, Q.10 có rất nhiều câu lạc bộ tự phát, tập hợp các bạn trẻ có cùng sở thích như các hội: hip-hop, quay viết, vespa, chơi xe cổ… Thay vì để các hoạt động này tự phát thì Hội LHTN Q.10 đã tạo điều kiện, hướng hoạt động của các đội nhóm này vào quy củ và tham gia vào chuỗi hoạt động của Hội. Ngoài ra, Hội LHTN Q.10 còn thực hiện các mô hình chi hội ngành nghề như: ngành nghề điện tử Nguyễn Kiêm, pha chế nước uống (ở khu vực cư xá Bắc Hải, là “phố” cà phê của Q.10), ngành tóc, dán đề can. Đây là nơi thanh niên trau dồi nghề nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nguyên chia sẻ: “Hoạt động Đoàn - Hội và phong trào thanh niên đã cho tôi cơ hội tiếp xúc, hiểu thêm về nhiều người làm cho tôi năng động hơn, mở mang kiến thức và trưởng thành”. (Nguyên Mi) |
Hội LHTN Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (*) Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam, mỗi thanh niên Việt Nam có quyền tự hào: Trong mỗi chặng đường của lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nêu cao các truyền thống vẻ vang của Hội và các tầng lớp thanh niên Việt Nam, đó là: 1. Truyền thống yêu nước nồng nàn, một lòng trung thành với chế độ, với lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Truyền thống quý báu đó đã tạo nên động lực vô cùng quý giá xuyên xuốt các chặng đường lịch sử; thế hệ trẻ sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào thanh niên nước ta quyết không quản ngại khó khăn, gian khổ hi sinh, chiến đấu quên mình, sáng tạo trong lao động sản xuất, xung phong tình nguyện, đoàn kết thương yêu nhau vươn lên góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Truyền thống gắn bó, đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong tổ chức Hội, tin tưởng và tự hào về Hội LHTN Việt Nam, ra sức xây dựng Hội LHTN Việt Nam nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên và tạo nguồn lực bổ sung cho Đoàn. Truyền thống đoàn kết, gắn bó thương yêu giúp đỡ nhau trong học tập, lao động, sẵn sàng nhường áo sẻ cơm, sẵn sàng giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, địch họa “Thương người như thể thương thân” đó là truyền thống quý báu được hun đúc nên từ hàng ngàn đời nay của thanh niên Việt Nam. Chính nhờ đó tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn cho thanh niên Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa .
3. Truyền thống của đội quân xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, dám đón lấy những nhiệm vụ nặng nề mà lịch sử giao phó, dám đi đến những nơi gian khổ nhất, khi Đảng và nhân dân kêu gọi, thanh niên luôn sẵn sàng với tinh thần tự giác cao. Các thế hệ đi trước đã tình nguyện “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”; “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cho đến “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”; “Thanh niên tình nguyện”, “Khi Tổ quốc cần - Thanh niên hành động”… đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả quá trình lịch sử với truyền thống của đội quân xung phong tình nguyện bắt nguồn từ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, không cam chịu mất nước, làm nô lệ; không cam chịu đói nghèo lạc hậu. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. 4. Truyền thống hiếu học, cần cù, say mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ham hiểu biết, có ý chí vượt khó, có hoài bão lớn để vươn tới những đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao. Say mê sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, dù trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn vẫn quyết tâm học tập, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp của dân tộc và của Đảng.
Với những cống hiến xuất sắc của các thế hệ cán bộ, hội viên và các tầng lớp thanh niên Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999 và Huân chương Hồ Chí Minh năm 2005 vì “Đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động thanh niên tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, thanh niên luôn là người đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Phát huy những giá trị truyền thống vẻ vang của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các thế hệ hội viên, thanh niên Việt Nam nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; cống hiến tất cả tài năng, sức lực và trí tuệ của mình trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. (Trích Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15.10.1956 - 15.10.2011)) |
Báo Thanh Niên đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi “Số tiền hỗ trợ từ chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi là nguồn lực vô cùng quý giá. Ngư dân chúng tôi thật sự biết ơn tình cảm sẻ chia khó khăn của bạn đọc”. Đó là những lời bày tỏ đầy xúc động của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), người được mệnh danh là “Ngư ông biển Đông”, khi nhận tiền hỗ trợ của chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi của Báo Thanh Niên. Trong những năm gần đây, nhiều ngư dân ở các tỉnh miền Trung mặc dù được sự trợ giúp của địa phương, song vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, có nhiều ngư dân trẻ, khi bám ngư trường (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để đánh bắt hải sản đã bị mất tàu, mất ngư cụ, trang thiết bị, hải sản đánh bắt được… Thêm vào đó là nỗi lo thiên tai hằng năm.
Để có hành động thiết thực tiếp sức, hỗ trợ ngư dân khi gặp hoạn nạn và nhằm tiếp sức cho ngư dân yên tâm bám biển, Báo Thanh Niên khởi xướng chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi và chính thức phát động trên mặt báo từ ngày 23.6.2011. Chương trình nhằm giúp đỡ ngư dân trẻ xây dựng nhà cửa khi gặp thiên tai, hỗ trợ ngư dân khi bị phá sản, phải cầm cố nhà cửa (do bị sự cố trên biển); giúp đỡ ngư dân trang bị một số thiết bị thông dụng trên tàu để có thể liên lạc với nhau và với đất liền khi gặp sự cố; hỗ trợ cho con cái ngư dân có điều kiện đến trường; hỗ trợ giáo viên và thầy thuốc trẻ tình nguyện phục vụ đảo xa; giúp đỡ kịp thời cho gia đình một số trường hợp ngư dân bị mất tích trên biển, gặp phải tai họa khi bám ngư trường… Đến nay, chương trình đã vận động được hơn 2,1 tỉ đồng. Trong đó, Báo Thanh Niên, đã trao tiền hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân trẻ và xây nhà nhân ái cho ngư dân với số tiền hơn 1 tỉ đồng (đợt 1). Ở đợt 2, chương trình tiếp tục trao tiền hỗ trợ, học bổng cho con em ngư dân và xây nhà nhân ái cho ngư dân với tổng số tiền 830 triệu đồng. Đến nay, đã có 15 căn nhà nhân ái được xây dựng cho ngư dân. Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi đã vinh dự nhận giải thưởng "Khi Tổ quốc cần" do Hội LHTN VN trao tặng nhân dịp Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Hội LHTN VN. (Nguyên Mi) |
>> Danh sách Cá nhân tiêu biểu đạt Giải thưởng “15 tháng 10” năm 2011
>> Danh sách 10 đơn vị, cá nhân nhận giải thưởng Khi Tổ quốc cần
Bình luận (0)