Sau nhiều năm phải nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, ngày 23.8.1989 là cột mốc lịch sử khởi đầu cho hành trình vươn ra thế giới của gạo Việt. Nhiều công nhân bốc xếp ở cảng Sài Gòn thời điểm đó kể lại, khi nhận lệnh bốc gạo xuống tàu, họ còn nghĩ mình nghe nhầm vì trước giờ chỉ bốc gạo từ tàu lên bờ, chưa bao giờ chuyển gạo từ trên bờ xuống tàu như vậy. Chuyến hàng đầu tiên lên tới 10.000 tấn, gạo 35% tấm với giá 235 USD/tấn xuất sang Ấn Độ đánh dấu hành trình của gạo Việt liên tục suốt mấy thập kỷ không ngừng nghỉ.
Chỉ trong hơn 4 tháng cuối năm 1989, VN đã xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 322 triệu USD với giá xuất khẩu bình quân 226 USD/tấn. Việc này đã tác động không nhỏ đến thị trường gạo thế giới. Mặt hàng gạo 25% tấm từ mức 250 USD/tấn giảm liên tục kéo dài đến nửa năm, mang lại lợi ích cho nhiều người sử dụng gạo trực tiếp và gián tiếp. Năm 1999, gạo Việt tự đánh dấu một cột mốc lịch sử mới cho chính mình bằng kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 1 tỉ USD, với sản lượng 4,6 triệu tấn và giá xuất khẩu bình quân 227 USD/tấn. VN chính thức trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới.
Trong 10 năm sau đó, gạo Việt đã có rất nhiều cột mốc đáng nhớ. Năm 2008, chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên quy mô toàn cầu, giá gạo xuất khẩu của VN có thời điểm lên đến trên 1.000 USD/tấn. Hay trong năm 2009, sản lượng gạo xuất khẩu lần đầu tiên vượt 6 triệu tấn với kim ngạch gần 2,5 tỉ USD. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn là vào thời điểm năm 2011, hạt gạo Việt lập kỷ lục về sản lượng khi đạt tới 7,1 triệu tấn, kim ngạch 3,65 tỉ USD, giá xuất khẩu bình quân 495 USD/tấn. Cũng từ thời điểm này, việc nâng cao chất lượng hạt gạo và xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế để chấm dứt lời nguyền “vô danh” bắt đầu manh nha.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường gạo thế giới đang rơi vào hỗn loạn khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, kiềm chế lạm phát và VN trở thành nguồn cung gạo quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Nhìn lại lịch sử, dường như cứ qua mỗi chu kỳ 10 năm, hạt gạo Việt lại tự nâng mình lên một tầm cao mới. Sau 30 năm xuất khẩu gạo, với 6,5 - 7 triệu tấn mỗi năm, VN không chỉ là cường quốc về số lượng mà chất lượng gạo Việt cũng được vinh danh “ngon nhất thế giới”. Gạo Việt cũng đã xây dựng được thương hiệu riêng ở những thị trường cao cấp và khó tính bậc nhất như Nhật Bản, EU. Đó là hành trình đầy gian khó với rất nhiều nỗ lực và quyết tâm không ngơi nghỉ của bao nhiêu thế hệ nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp VN. Với những đóng góp của mình, không ít người trong số đó đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động từ hạt gạo.
Đến thời điểm này, nhiều người gắn bó với ngành lúa gạo VN cũng không thể quên ngày 12.11.2019, hạt gạo Việt giống ST25 do ông Hồ Quang Cua lai tạo đã được vinh danh là “World's Best Rice” - gạo ngon nhất thế giới trong khuôn khổ Hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines). Một khởi đầu mới cho hạt gạo Việt trên hành trình tạo danh lập tiếng trên phạm vi toàn cầu.
Nói về danh hiệu này, ông Cua chia sẻ xuất phát từ lòng tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến. Trong mấy thập kỷ xuất khẩu, dù mạnh về số lượng nhưng chất lượng và giá trị gạo Việt không được đánh giá cao, không có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Đó là trăn trở của nhiều người gắn bó với cây lúa trong đó có ông Cua.
Năm 1997, Thái Lan tuyên bố lai tạo thành công 2 giống lúa thơm ngắn ngày. Điều này trở thành sự kiện trong ngành lúa gạo thế giới. “Tôi nghĩ, tại sao người ta làm được còn mình thì không. Vậy là tôi đặt quyết tâm và dồn hết tâm huyết vào việc lai tạo thành công giống lúa thơm cho VN”.
Trời không phụ người tâm huyết. Danh hiệu gạo ngon nhất thế giới cho giống ST25 là phần thưởng xứng đáng cho ông Hồ Quang Cua nói riêng và cho hạt gạo Việt nói chung. Với những đóng góp của mình, ông Hồ Quang Cua nhiều lần được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động, từ trước khi ông giành danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” về cho VN.
Nhờ có danh, các doanh nghiệp Việt thêm tự tin đầu tư mạnh vào việc lập tiếng - xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt. Tính đến thời điểm này, đã và đang có nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình đó như: Tập đoàn Tân Long, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Công ty Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời… Hạt gạo cũng tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thâm nhập vào các thị trường cao cấp.
Theo cam kết từ Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA), phía bạn dành cho VN hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Trước đó, nhiều người vẫn nghĩ, VN sẽ không thể “xài” hết hạn ngạch này vì sẽ vướng các tiêu chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên, lượng gạo VN xuất khẩu vào EU đạt tới 60.000 tấn các loại. Trong năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đạt tới 95.510 tấn gạo, vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo mà khối này dành cho VN.
Năm 2022, tờ The Guardian của Anh thông tin: Trong cơn sốt giá gạo do nguồn cung ở châu Âu khan hiếm, có thương nhân của Anh đã sang tận VN để tìm mua gạo.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trưởng mạnh, ngày 2.9.2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chính thức đưa gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị Carrefour và Leclerc của Pháp. Đây là bước tiến quan trọng của doanh nghiệp này trong hành trình xây dựng thương hiệu gạo cũng như những cam kết cùng nông dân phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản Việt trên thương trường quốc tế.
Vào thời điểm lịch sử đó, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, người được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những đóng góp cho ngành gạo VN không giấu được niềm vui: Sẽ cố gắng từng ngày chung tay xây đắp thương hiệu cho hạt gạo Việt. Sắp tới, Lộc Trời sẽ nỗ lực kết nối để tiếp tục đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm gạo chủ lực vào các hệ thống siêu thị rộng khắp các nước châu Âu. Năm 2023, Lộc Trời tiếp tục đưa vào EU các sản phẩm mới dưới thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” và vào các thị trường mới như Đức, Áo.
Trước đó 3 tháng, ngày 30.6.2022, tại Tokyo (Nhật Bản) dưới sự chứng kiến của Đại sứ quán VN tại Nhật Bản, Tập đoàn Tân Long, ngân hàng Kiraboshi Nhật Bản (đơn vị kết nối doanh nghiệp), đơn vị nhập khẩu Sun-Tommy và đơn vị phân phối Spice House đã tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm gạo A An chính thức được bày bán trong các hệ thống siêu thị của Nhật Bản. Để đưa được gạo vào thị trường Nhật Bản, Tân Long phải vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe đối với hơn 600 chỉ tiêu. Đây là lần đầu tiên, gạo VN xuất khẩu bằng thương hiệu của chính người Việt và vào thẳng thị trường khó tính nhất thế giới.
Ông Trương Sĩ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long nói: "Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng gạo của VN chỉ xuất thô do chất lượng, mẫu mã, sự đồng đều kém… Nhưng VN là quốc gia nông nghiệp với văn hóa và văn minh lúa nước hàng ngàn năm. Tôi muốn định vị lại giá trị và thương hiệu gạo Việt trong mắt bạn bè thế giới và trong lòng của chính người VN. Do vậy, nhiều năm qua, tôi đầu tư vào sản xuất lúa từ việc chọn ra các giống gạo ngon, xây dựng thương hiệu để chinh phục người tiêu dùng thế giới.
Tại thị trường khó tính nhất thế giới, gạo Việt không chỉ phục vụ khách hàng phổ thông. Ngày 2.9.2022, Văn phòng Nội các Nhật Bản giới thiệu "bữa trưa đặc biệt" là món cơm chiên sử dụng nguyên liệu gạo ST25 đến từ VN mang thương hiệu A An của Tân Long. Trong mẫu giấy giới thiệu đặt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản thông tin: “Gạo thơm ST25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ VN. Sau hơn 1 năm đàm phán và kiểm định chất lượng, Công ty TNHH Spice House đã thành công trong việc đưa gạo ST25 tới người tiêu dùng tại Nhật Bản. Từ việc gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản, các quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm, chắc, hạt cơm có vị ngọt tự nhiên”.
Thương vụ VN tại Nhật Bản thì ngắn gọn: “Việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là minh chứng cho thấy VN không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường”.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa - sử dụng máy bay không người lái với dự án mặt ruộng không dấu chân của Lộc Trời
CÔNG HÂN
"Với A An, quan điểm của tôi là trước khi nghĩ tới vươn ra thế giới, phải xây dựng được nền tảng ở thị trường nội địa. Phải xây từ cánh đồng, tức là đi từ nguồn gốc của hạt gạo. Gạo được trồng ở đâu, giống gì, ai trồng, trồng như thế nào, thu hoạch ra sao, sấy, trữ bảo quản thế nào để khi đến tay người tiêu dùng sẽ được nấu ra hạt cơm thơm ngon nhất, an toàn nhất. Hạt gạo không bị bất kỳ tác động nào về hóa chất hay quá liều thuốc bảo vệ thực vật khiến người tiêu dùng phải lo lắng. Khách hàng lớn nhất của chúng tôi chính là người Việt và chúng tôi xem họ là đối tượng khách hàng khó tính nhất, cần phải phục vụ tốt nhất" - người đưa gạo Việt lên bàn ăn của người Nhật, ông Nguyễn Sĩ Bá chia sẻ.
Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch 3,5 tỉ USD; tăng 14% về số lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2022 đạt 486 USD/tấn.
Còn trong 6 tháng đầu năm 2023 lượng gạo xuất khẩu đã đạt tới 4,24 triệu tấn, tăng 21% và trị giá đạt 2,3 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Bước sang tháng 7, thị trường lúa gạo thế giới lại bước vào một giai đoạn lịch sử mới khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo trắng các loại, trừ gạo Basmati. Điều này khiến thị trường thế giới thiếu hụt đến 7 - 9 triệu tấn và giá gạo ngay lập tức tăng cao từng ngày. Chỉ một tuần sau lệnh cấm, cuối tuần qua, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở một số nước đã chạm mốc 600 USD/tấn. Không ai biết chính xác cơn sốt giá sẽ đi đến đâu nhưng rõ ràng thị trường vẫn tiếp tục cho đến khi Ấn Độ thay đổi chính sách với hạt gạo của mình. Tuy nhiên, không chỉ yếu tố Ấn Độ, thị trường gạo toàn cầu còn bị chi phối bởi El Nino với dự báo năm 2023 sẽ là năm nóng nhất lịch sử. Yếu tố El Nino sẽ khiến kho dự trữ gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc không dám mạo hiểm tranh thủ cơ hội giá gạo. Chính vì vậy, vai trò của những nguồn cung chính như VN (bên cạnh là Thái Lan) càng trở nên giá trị.
Anh hùng Lao động, GS Võ Tòng Xuân, người gắn bó cả đời với cây lúa cho rằng: Từ năm 1989 đến nay, người trồng lúa đã làm rạng rỡ nước nhà khi đặt VN vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Những năm gần đây, gạo Việt còn xây dựng được thương hiệu. Bối cảnh năm 2023 đặt VN vào vai trò và vị thế đặc biệt là làm sao chúng ta có thể tận dụng tốt cơ hội về giá mà vẫn phải đảm bảo uy tín của nhà cung cấp có trách nhiệm. Khi nhu cầu tăng thì đâu đó người kinh doanh sẽ chạy theo số lượng. Đây là điều cần tránh và nên kiên trì theo hướng chất lượng và thương hiệu để phát triển lâu dài vì sốt giá chỉ có tính chất thời đoạn. “Khi nói đến gạo, nghĩ về VN - chúng ta phải định vị hạt gạo Việt trong tâm thức người tiêu dùng thế giới như thế”, Anh hùng Lao động của ngành lúa gạo nhấn mạnh.
Bình luận (0)