Từ họ Phan, vì sao Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại quyết định chuyển sang họ Võ?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
11/11/2022 12:53 GMT+7

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922–2022), NXB Trẻ xuất bản tập sách Võ Văn Kiệt người thắp lửa , như món quà thể hiện tình cảm các thế hệ dành cho ông, tiết lộ nhiều thông tin thú vị từ người thân.

Ở bài Võ Văn Kiệt - trong bóng dáng một người cha, tập sách Võ Văn Kiệt người thắp lửa (do NXB Trẻ vừa ấn hành) có bài viết của Tổng Biên tập báo Lao động - Xã hội, tạp chí Gia đình và Trẻ em Nguyễn Thành Phong, kể lại. Cuối năm 1994, khi đó ông làm thư ký tòa soạn một tuần báo có biên tập và in bài báo nhỏ từ câu chuyện một người bạn học với Phan Chí Dũng.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) bắt tay nhạc sĩ của ngành điện Việt Nam Phương Tài trên công trình đường dây 500kV Bắc - Nam

NVCC

“Sau khi bài báo in ra, tôi có dịp gặp ông tại Lễ khánh thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ông nói với tôi:

- Chú mới đọc bài báo và càng thêm nhớ Dũng nhiều… Chú không biết tụi bay đưa chuyện này lên báo. Nếu biết, chú đã có thể kể thêm nhiều chi tiết nữa về Dũng... vì thế mà chiều hôm đó, trước chuyến đi công tác dài ngày ở các tỉnh phía Nam, ông đã cho gọi tôi lên”.

Những đau thương mất mát rất lớn

Ngồi với ông trên ghế đá dưới vòm cây xanh Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tâm sự với nhà báo Nguyễn Thành Phong: “Dũng là con cả của chú. Năm 1951, khi chú lên đường từ Nam ra Việt Bắc dự Đại hội lần thứ II của Đảng thì mẹ Dũng có thai và cuối năm đó sanh Dũng. Dự Đại hội xong, chú quay lại chiến trường miền Nam. Năm 1955 Dũng có thêm em gái là Hiếu Dân. Thời gian này, tình hình miền Nam rất ác liệt. Đến 1960, Dũng cùng nhiều thiếu nhi con em cán bộ miền Nam được lần lượt đón ra Bắc để ăn học. Dũng ra năm 1960, đi từ Campuchia, còn Hiếu Dân ở với mẹ tới cuối 1965 thì đi bằng đường công khai. Chia tay, cô chú thương tụi nhỏ ghê gớm. Nhưng tình hình như vậy, còn biết làm sao? Chúng còn quá nhỏ và nhớ ba mẹ dữ lắm".

Đầu năm 1966, báo chí và Đài Tiếng nói Việt Nam ngoài miền Bắc đưa tin cực lực phản đối việc giặc Mỹ bắn vào chiếc tàu đò Thuận Phong chở toàn dân thường gồm trẻ em, người già và phụ nữ đi trên sông Sài Gòn. Lúc đó, Mỹ tiến hành trận càn quy mô lớn đầu tiên đánh vào vùng “Tam giác sắt” Củ Chi - Bến Cát. Máy bay trực thăng Mỹ quần đảo trên bầu trời.

Tập sách Võ Văn Kiệt người thắp lửa (do NXB Trẻ vừa ấn hành)

NXB

Chiếc tàu Thuận Phong đã lọt vào những con mắt khát máu. Mặc dù biết đây là tàu đò chở dân thường qua lại trên sông Sài Gòn đoạn từ thị xã Tân An lên tới Dầu Tiếng, nhưng để đề phòng hậu họa, máy bay Mỹ đã xả súng bắn tới tấp. Chiếc tàu với hơn hai trăm dân thường bắt đầu chìm, máu dân thường đã loang đỏ mặt sông mà mấy chiếc trực thăng vẫn châu vào vãi đạn xuống cho tới khi chiếc tàu chìm hẳn mới thôi. Một đoạn sông bầm sẫm máu…

Ông không ngờ một đau thương mất mát rất lớn đã đến với ông: người vợ thân yêu cùng hai con nhỏ, đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông Sài Gòn cùng chiếc tàu này. Bà mẹ cơ sở mà ông coi như mẹ đẻ, người đã về thành phố để đón vợ con ông lên căn cứ, cũng cùng nằm lại nơi đây. Cho tới khi từ cơ sở Nhà Bè về tới căn cứ Củ Chi, ông mới biết chuyện. Nỗi đau như cơn bão cuộn xoáy trong tâm can ông...

Đến đoạn nhắc về Dũng, theo miêu tả của nhà báo Nguyễn Thành Phong giọng chú Sáu Dân trầm hẳn xuống: "Hồi đó, Tư lệnh Khu 9 là anh Sáu Nam (Chủ tịch nước Lê Đức Anh sau này). Anh Sáu Nam biết rõ những mất mát của chú. Khi Dũng xuống đơn vị chiến đấu một thời gian, anh Sáu Nam mới biết. Ảnh không đồng ý với chú. Ảnh đã lệnh cho tham mưu và viết thư xuống trung đoàn kêu Dũng về để học lớp pháo binh. Dẫu sao, lúc đó Dũng cũng là đứa học hành tới nơi, tới chốn, cần phải chú ý để đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng quân đội lâu dài. Thư anh Sáu Nam gửi tới trung đoàn đúng vào lúc Dũng vừa hy sinh". Ông ngừng lời, rồi nói chậm rãi: "Nhưng... nếu như lá thư có đến sớm hơn, thì chắc Dũng cũng không chịu. Nó đang say chiến đấu đến thế cơ mà. Chú hiểu nó lắm. Chỉ tiếc là nó đã hy sinh sớm quá. Nếu không, chắc nó còn làm nên nhiều chuyện nữa...".

Được biết, cuốn sách Võ Văn Kiệt người thắp lửa chia thành bốn phần công phu. Phần 1 - Hành trình Võ Văn Kiệt: nói về cuộc đời và sự nghiệp của ông với nhiều hình ảnh và tư liệu minh họa quá trình hoạt động cách mạng của Thủ tướng, lồng trong bối cảnh chung của đất nước qua từng thời kỳ; Phần 2 - Năng lượng Võ Văn Kiệt: là những bài viết về cải cách đúng đắn của ông trong công cuộc xây dựng đất nước. Phần 3 - Một người của nhiều người: Những câu chuyện gần gũi và xúc động về cố Thủ tướng; Phần 4 - Những trang viết Võ Văn Kiệt: là những bài báo ông viết về đại đoàn kết dân tộc, về xây dựng Đảng, chống đói nghèo… rất xúc động, thể hiện chân dung một Thủ tướng sống tình cảm. Còn với đất nước ông là một Thủ tướng dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình.

Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt cùng vui với anh em công nhân

nguyễn công thành

"Võ là họ của mẹ chú. Chú thương bả lắm"

Trở lại câu chuyện của Tổng Biên tập báo Lao động - Xã hội, tạp chí Gia đình và Trẻ em Nguyễn Thành Phong, sách đã dẫn viết tiếp:

"Tôi ngồi yên lặng như cùng chia sẻ với ông hồi tưởng về đứa con yêu. Lúc sau, tôi rụt rè hỏi ông:

- Thưa chú, chú họ Võ, vậy sao Dũng lại mang họ Phan?

Ông đã dứt ra khỏi dòng hồi tưởng:

- Đâu có, chú họ Phan chớ. Vậy nên Dũng cũng họ Phan mà. Võ là họ của mẹ chú. Chú thương bả lắm. Vì vậy, khi hoạt động, chú lấy họ Võ là theo họ mẹ đó.

Tôi khẽ hỏi:

- Chú ơi, vậy bây giờ anh Dũng nằm ở đâu?

- Sau khi Dũng hy sinh, anh em đưa Dũng về chôn cất ở nghĩa trang trong khu căn cứ. Sau giải phóng, chú cho đón Dũng về TP.HCM, hỏa táng hài cốt Dũng. Bình tro hài cốt Dũng được đặt ở nghĩa trang thành phố cùng mẹ và hai em của Dũng. Nhưng chỉ có tro hài cốt của Dũng là có thật. Còn mẹ và hai em của Dũng thì chỉ là nắm đất lấy từ lòng tàu Thuận Phong làm tượng trưng thôi".

Nhà báo Nguyễn Thành Phong đưa hai bàn tay nắm lấy tay Thủ tướng Võ Văn Kiệt. "Ngồi bên cạnh tôi không còn là khoảng cách với vị Thủ tướng mà là một người con hiếu đễ với cha mẹ, quê hương, dòng tộc. Và trong bóng dáng một người cha, Võ Văn Kiệt cũng như bao nhiêu người cha trên đời này, cũng thường đau đáu về những đứa con của mình", tác giả Nguyễn Thành Phong chia sẻ đầy cảm động. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.