Tại cuộc họp báo qua điện thoại với phóng viên trong khu vực nhân chuyến thăm Philippines, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh lực lượng Tuần duyên Mỹ, đã nói về những hành vi đối địch và cưỡng bách của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Trung Quốc rõ ràng có ý muốn bành trướng"
Đánh giá sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông, Đô đốc Schultz chia sẻ “quan sát cá nhân” của ông cho rằng, Trung Quốc dường như tập trung hơn vào việc bành trướng và mở rộng lợi ích của họ trong khu vực, đối lập với lợi ích rộng lớn hơn của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các quốc gia châu Á.
“Một trong những phát hiện về hoạt động của Trung Quốc - người Mỹ có câu “nói một đằng làm một nẻo”. Ý tôi là, Trung Quốc hùng biện về các hành động hòa bình của họ, nhưng sau đó chúng ta thấy các đảo nhân tạo mọc lên ở những nơi chưa từng có đảo trước đây. Chúng ta thấy đường băng trên những hòn đảo đó. Chúng ta thấy các tên lửa hành trình chống hạm và các khí tài quân sự khác, không giống với những lời lẽ họ tuyên bố. Và tôi nghĩ rằng, Lực lượng Tuần duyên Mỹ, như một phần trong phản ứng của Chính phủ Mỹ và phản ứng của chính phủ các nước đồng minh, đối tác; là thực sự tập trung vào việc tiếp tục thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và điều đó là dựa trên các quy tắc quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ”, ông Schultz nói.
Trả lời đề nghị của phóng viên Bloomberg bình luận về mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc ở khu vực, Đô đốc Schultz từ chối đưa ra suy đoán, nhưng cho biết thêm về những quan sát của lực lượng Tuần duyên Mỹ trong khu vực.
“Tôi đã thấy những nơi như đá Chữ Thập, từ chỗ không hề hiện diện trở thành một hòn đảo nhân tạo và giờ các khí tài quân sự xuất hiện ở đó, dù có phải là máy bay chiến đấu hay không. Chúng ta rõ ràng thấy rằng họ hùng biện là "không, chúng tôi không quân sự hóa khu vực trong những năm qua", và chúng ta thấy những hành vi (của họ) hoàn toàn ngược lại”, Đô đốc Schultz nói.
Theo Tư lệnh lực lượng Tuần duyên Mỹ, nếu nhìn vào sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc, nhìn vào sáng kiến Con đường tơ lụa địa cực của họ, rõ ràng vạch ra một đường hướng của việc Trung Quốc mong muốn tăng cường khả năng tiếp cận toàn cầu.
“Gần đây, tôi đã ở Greenland và Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác phát triển sân bay và có thể cả một số cơ hội làm cảng biển. Là lực lượng Tuần duyên Mỹ - lực lượng duy nhất có năng lực hoạt động hàng năm ở khu vực Bắc Cực, chúng tôi đã thấy tàu nghiên cứu của Trung Quốc, chiếc Rồng Tuyết (Snow Dragon), ở đó 6 lần trong 9 năm qua. Vì vậy, tôi nghĩ Trung Quốc rõ ràng có ý muốn bành trướng, nhưng tôi sẽ chỉ nói đến như vậy”, ông Schultz bình luận.
Cam kết ngoại giao hòa bình, nhưng liên tục chiêu trò đe dọa và bắt nạt các nước khác
Trước đó, tại buổi điều trần trước Quốc hội ngày 16.10, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương David Stilwell cũng cho rằng, các nguyên lý cốt lõi của hệ thống quốc tế do Mỹ hậu thuẫn đang bị thách thức bởi việc xây dựng trái phép và quân sự hóa các thực thể nhân tạo ở Biển Đông của Trung Quốc.
Theo ông David Stilwell, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã thách thức không chỉ các bên yêu sách, hay các quốc gia Đông Nam Á nói chung, mà còn với tất cả các nước có hoạt động thương mại quốc tế và coi trọng tự do trên biển cũng như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Thái độ bắt nạt của Bắc Kinh với các quốc gia hàng xóm là kiên định với tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2010, là “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ. Đó là thực tế”. Quan niệm này cho rằng, nước lớn có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, trong khi nước nhỏ buộc phải chấp nhận - là đe dọa đến chủ quyền, hòa bình, nhân phẩm và thịnh vượng của khu vực năng động nhất thế giới hiện nay.
Yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc được minh họa bằng đường 9 đoạn phi lý, là phi pháp và phi lý. Yêu sách thiếu căn cứ pháp lý, lịch sử và địa lý này đang đe dọa các quốc gia khác.
Thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại để khẳng định đường 9 đoạn, Bắc Kinh đang ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có giá trị hơn 2.500 tỉ USD, đồng thời góp phần gây mất ổn định và nguy cơ xung đột.
"Chúng tôi vẫn hoài nghi về sự chân thành của Trung Quốc khi đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử (COC) có ý nghĩa củng cố luật pháp quốc tế. Trong khi tuyên bố rằng họ cam kết ngoại giao hòa bình, thực tế là các nhà lãnh đạo Trung Quốc - thông qua hải quân, các cơ quan thực thi pháp luật và tàu dân binh - tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác. Việc họ liên tục quấy rối tài sản Việt Nam quanh bãi Tư Chính là một trường hợp điển hình. Nếu Trung Quốc sử dụng COC để hợp pháp hóa hành vi nghiêm trọng của mình và yêu sách hàng hải bất hợp pháp, và để trốn tránh các cam kết mà Bắc Kinh đã ký theo luật quốc tế, COC sẽ gây hại cho khu vực và cho tất cả những ai coi trọng tự do biển cả", ông David Stilwell nói.
Bình luận (0)