Theo website Bộ Ngoại giao Mỹ, Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF), đại tướng Kenneth S. Wilsbach từ Hawaii đã tham gia cuộc họp báo qua điện thoại với truyền thông châu Á ngày 4.6.
Đáng lưu ý trong cuộc họp báo này, trả lời câu hỏi về quan hệ hợp tác giữa lực lượng Không quân Mỹ và Việt Nam thời gian tới, ông Wilsbach xác nhận rằng Việt Nam đặt mua máy bay huấn luyện T-6 của Mỹ để phục vụ việc đào tạo huấn luyện phi công. Tướng không quân Mỹ cho hay việc mua máy bay này là thành tựu quan trọng và trực quan về quan hệ hợp tác giữa hai lực lượng. “Chúng tôi cam kết sẽ giúp đỡ việc chuyển giao máy bay và đưa vào hoạt động, và cải thiện việc huấn luyện phi công của Không quân Việt Nam”, đại tướng Wilsbach nói.
Dù ông Wilsbach không đề cập cụ thể số lượng máy bay T-6 mà Việt Nam đặt mua, nhưng trước đó như Thanh Niên đã thông tin, Không quân Mỹ vào tháng 2.2021 công bố gọi thầu cung cấp 3 máy bay huấn luyện (loại 1 động cơ turbin cánh quạt, 2 chỗ ngồi) cho Không quân Việt Nam kèm chương trình đào tạo huấn luyện phi công cơ bản dựa trên mô hình đào tạo phi công của Không quân Mỹ.
|
Hạn chót nhận hồ sơ chào thầu cung cấp máy bay và các gói hỗ trợ về huấn luyện, kỹ thuật, hậu cần, cung ứng phụ tùng là vào ngày 3.3.2021; và việc bàn giao 3 máy bay chậm nhất vào khoảng giữa năm 2023, theo trang sam.gov của chính phủ Mỹ.
Theo Không quân Mỹ, việc cung cấp 3 máy bay huấn luyện này nằm trong chương trình chiến lược về hợp tác và hỗ trợ an ninh khu vực giữa Không quân Mỹ và Việt Nam.
Với thông tin như cuộc họp báo nói trên, rất có thể tập đoàn Textron đã trúng thầu gói cung cấp máy bay và huấn luyện đào tạo cho Không quân Việt Nam, vì Textron chính là nhà sản xuất máy bay T-6. T-6 cũng là máy bay huấn luyện phi công cơ bản của không quân và hải quân Mỹ cũng của một số không quân các nước trên thế giới.
Theo yêu cầu trong gói thầu cung cấp máy bay huấn luyện cho Không quân Việt Nam, loại máy bay huấn luyện được gọi thầu được trang bị động cơ tuabin cánh quạt, được Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) chứng nhận, có trang bị buồng lái điều áp, hệ thống cung cấp ô xy trên khoang lái, mũ phi công có hiển thị thông tin, thiết bị điện tử hiện đại. Máy bay phải có hạn sử dụng không ít hơn 15.000 giờ bay, có các giá treo bên ngoài có thể mang được bình nhiên liệu dự phòng theo chuẩn NATO để có thể có tầm hoạt động huấn luyện xa.
Không quân Mỹ cũng yêu cầu máy bay phải đảm bảo chi phí cho mỗi giờ bay tương đối thấp.
Đi kèm là các gói cung ứng hậu cần, phụ tùng, thiết bị hỗ trợ mặt đất và hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị huấn luyện trên máy tính, huấn luyện phi công cơ bản theo chương trình của Không quân Mỹ...
|
Gần đây, Mỹ đã đào tạo một số phi công của Không quân Việt Nam. Ngày 31.5.2019, Căn cứ không quân Columbus (ở bang Mississippi, Mỹ) tổ chức lễ tốt nghiệp cho 34 phi công Mỹ và nước ngoài, trong số này có phi công Việt Nam là thượng uý Đặng Đức Toại. Ngoài ra còn có trung úy Doãn Văn Cảnh cũng theo học chương trình này tại căn cứ nói trên, theo thông tin từ Facebook Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Các phi công Việt Nam được đào tạo bằng loại máy bay T-6A Texan II.
Máy bay huấn luyện T-6 do hãng Beechcraft (thuộc tập đoàn Textron) sản xuất từ những năm 2000. Đây là loại máy bay 2 chỗ ngồi, 1 động cơ tuabin cánh quạt (do Pratt & Whitney Canada sản xuất, công suất 1.100 mã lực), dài 10,16 m, sải cánh 10,19 m, tốc độ tối đa 500 km/giờ, trần bay tối đa 9.440 m, tầm bay 1.660 km.
Bình luận (0)