Có tin cho rằng tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc đứng sau vụ dùng tài khoản Facebook giả để lấy cắp thông tin cá nhân của các chỉ huy NATO.
Báo Guardian hôm qua đưa tin các chỉ huy quân sự cao cấp và giới chức Bộ Quốc phòng Anh cùng một số tướng lĩnh NATO nhận được “yêu cầu kết bạn” từ một tài khoản Facebook mang tên Đô đốc Mỹ James Stavridis. Nhiều người vui vẻ chấp nhận mà không ngờ tài khoản trên hoàn toàn là giả và họ đã vô tình “mở cửa” cho tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân của mình như địa chỉ thư điện tử, số điện thoại và hình ảnh.
Đô đốc Stavridis là người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ kiêm Chỉ huy đồng minh tối cao NATO. Theo tờ Telegraph, chưa rõ bằng cách nào, tin tặc đã lấy được một số thông tin của ông Stavridis để tạo tài khoản nói trên và dùng nó để tìm thêm nhiều nạn nhân mới. Vụ việc bị NATO phát hiện và tài khoản giả đã bị xóa vĩnh viễn từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, thông tin chỉ chính thức được xác nhận cách đây 2 ngày. Hiện Đô đốc Stavridis, người chỉ huy các chiến dịch quân sự của NATO ở Libya hồi năm ngoái, đã có trang Facebook chính thức của ông.
Giới chức NATO không tiết lộ những người đứng sau vụ tấn công hoặc tên tuổi các quan chức, sĩ quan “dính đòn”. Tuy nhiên, Telegraph dẫn nguồn tin giấu tên cho hay trong các buổi họp kín, các chỉ huy quân sự và quan chức ngoại giao được thông báo rằng mọi bằng chứng đều hướng đến các “tin tặc được nhà nước bảo trợ có nguồn gốc từ Trung Quốc”. “Các cuộc thảo luận/chat/bài viết trên Facebook dĩ nhiên chỉ đề cập đến những đề tài không thuộc dạng mật. Có rất nhiều trang web giả mạo danh các chỉ huy cấp cao của liên minh. Chúng tôi và Facebook đã hợp tác để gỡ bỏ chúng”, nguồn tin trên nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, dù gián điệp không thể tìm được bất kỳ bí mật quân sự nào trong đợt tấn công này nhưng thông tin cá nhân của các nhân vật cấp cao có thể bị dùng để tiếp tục tạo tài khoản giả, do thám hoặc tống tiền.
|
Lo ngại gia tăng
Vụ tài khoản Facebook giả được xem là thủ đoạn mới nhất trong cuộc “chiến tranh điện tử” bị nghi là do gián điệp Trung Quốc thực hiện. Theo tờ Daily Mail, các mục tiêu thường bị nhắm tới là thông tin cá nhân của giới chức, bí mật công nghiệp, bí mật về máy bay tàng hình, công nghệ tàu ngầm, chương trình không gian và cả năng lượng mặt trời. Ngày 10.3, truyền thông Anh cũng đồng loạt đăng tải những tiết lộ mới về vụ hệ thống máy tính của BAE Systems, tập đoàn quốc phòng lớn nhất nước này, bị các tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc đột nhập cách đây 3 năm. Theo đó, BAE Systems đã mất nhiều dữ liệu về dự án hợp tác với các tập đoàn Mỹ là Lockheed Martin và Northrop Grumman chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ năm F-35 trị giá 200 tỉ bảng. Đại sứ quán Trung Quốc ở London đã bác bỏ mọi cáo buộc và nhấn mạnh Bắc Kinh lên án mọi hình thức tội phạm mạng.
Hồi giữa tuần trước, Tập đoàn Northrop Grumman gửi báo cáo cho Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung cho rằng Trung Quốc có thể giáng đòn nặng vào hệ thống mạng có nhiều lỗ hổng an ninh của quân đội Mỹ trong trường hợp xung đột. Reuters dẫn báo cáo trên đánh giá Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) rất chú trọng đến khả năng xảy ra xung đột trên mạng trong thời gian gần đây. Theo đó, PLA sẽ nhắm vào các hệ thống của Mỹ nhằm trì hoãn khả năng tăng cường lực lượng cho cuộc xung đột ở Đài Loan chẳng hạn. Northrop Grumman cũng khẳng định các công ty Trung Quốc đã mở đường cho PLA tiếp cận những nghiên cứu và công nghệ hiện đại nhất. Vì thế, giới chuyên gia kêu gọi Washington nhanh chóng thiết lập các biện pháp bảo vệ hiệu quả để tránh trường hợp hệ thống cơ sở hạ tầng bị đánh sập bởi bàn tay tin tặc nước ngoài.
Trùng Quang
Bình luận (0)