Tư liệu quý về bản đồ, cửa sông và hải cảng Việt Nam thế kỷ 15

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
29/05/2020 06:00 GMT+7

Với tập hải đồ gồm 25 tờ chú thích rõ ràng, 24 tấm bản đồ và phụ lục kèm theo được viết bằng chữ Hán hoặc Nôm, nối tiếp từ kinh thành Thăng Long đến cố đô Vương quốc Champa, cuốn sách Nghiên cứu bản đồ các cửa sông, hải cảng Việt Nam thế kỷ XV (ảnh), của nhà nghiên cứu khảo cổ Gustave Dumoutier viết từ năm 1895 (Nguyễn Văn Trường dịch, Omega và NXB Hà Nội vừa ấn hành), là tài liệu quý báu về sự toàn vẹn non sông bờ cõi Việt Nam từ ngàn xưa.

Mô tả về núi Đá Bia (nay thuộc tỉnh Phú Yên), tác giả Gustave Dumoutier kể: “Trên địa phận làng Liêm Hóa, gần vương quốc Xiêm Thành nổi lên một dãy núi mọc nhiều cây và dây leo trải dài ra biển. Người ta cũng thấy hai núi đá hình dạng tấm bia. Một nghiêng về đông và một nghiêng về phía tây. Khi vua Lê Thánh Tông thân chinh cầm quân đi đánh Xiêm Thành trở về qua làng Liêm Hóa, ngài lên đỉnh núi gần ngôi làng này khắc lên phiến đá hình con cá tám chữ. Phiến đá này còn được giữ như để làm mốc giới giữa hai nước”.
Qua những tài liệu quý giá này, các nhà khảo cổ có thể xác định vị trí của Thăng Long và chiều (cạnh) của đường hào có liên hệ với sông Hồng, sông Tô Lịch và với hồ Đông hay hồ Tây. Hầu hết làng xã được dẫn trên Lộ trình và bản đồ, trong phần hành trình qua những vùng phụ cận của Hà Nội còn mang tên cũ như làng Sét, chợ Bằng, làng Nghệ, làng Liêm… Số 117 (bản đồ VI) cho biết một trong các cửa sông Mã có tên là Bích Môn. Đây là địa danh nổi tiếng một thời của người Việt, nơi An Dương Vương sau khi để mất thành Cổ Loa, phải mang con gái Mỵ Châu lên lưng ngựa bỏ chạy tới đây. Tới bãi biển, ông xuống ngựa, chém Mỵ Châu, rồi tay cầm sừng tê rẽ nước xuống biển.
Một điểm gây bất ngờ nhưng rất quan trọng là trên bản đồ XVIII lại không có Huế. Theo lý giải của tác giả: “Khi đó kinh đô của An Nam thuộc vào chính quyền người Chăm và hoàn toàn bị phá hủy ngày 29.3.1371. Nó không còn xuất hiện trong nhiều thế kỷ sau nữa và nó có một vị trí quan trọng khác, là một trung tâm cung cấp quân nhu cho các đạo quân miền biên giới. Một thành phố như thế ở Chế Bồng Nga, vua Chăm làm biến thành tro tàn. Hai trăm năm sau, người ta bắt đầu dựng lại, từ những đống đổ nát các công trình công cộng lại được dựng xây”.
Đặc biệt nhất, chính tác giả là người trực tiếp sao chụp các tấm bản đồ, đọc và phiên âm các địa danh, các chỉ dẫn ra chữ Quốc ngữ, đồng thời giải nghĩa bằng tiếng Pháp, đánh số ngay sát những chữ Hán hoặc Nôm trên bản đồ các con số tương ứng để người đọc đối chiếu. Không chỉ cho biết địa hình mạo hiểm, đặc điểm bờ biển Việt Nam, các cửa sông, hải cảng… mà sách còn cung cấp nhiều thông tin về mỏ, quặng, núi sông và đằng sau đó là những câu chuyện kể hấp dẫn; trong đó có giấc mơ của vua Trần Thái Tông năm 1252, khi ngủ đêm ở cảng Càn - nơi có đền thờ con gái Kiều Nương của Triệu Quang Phục, đồng thời giải mã nhiều địa danh vì sao các đời vua lại đặt tên như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.