Tự mang bệnh vào thân

07/09/2015 05:56 GMT+7

Philip Kotler, huyền thoại về marketing hiện đại, khi đến VN đã chân tình góp ý “VN nên cố gắng trở thành bếp ăn của thế giới”. Ông nói vậy, bởi phát hiện sự đa dạng và kỳ thú của ẩm thực Việt ; từ khẩu vị, hương vị, màu sắc, cách chế biến và trình bày đến tác dụng y học.

Philip Kotler, huyền thoại về marketing hiện đại, khi đến VN đã chân tình góp ý “VN nên cố gắng trở thành bếp ăn của thế giới”. Ông nói vậy, bởi phát hiện sự đa dạng và kỳ thú của ẩm thực Việt; từ khẩu vị, hương vị, màu sắc, cách chế biến và trình bày đến tác dụng y học.
Yan Can Cook, đầu bếp lừng danh thế giới, đến VN đã hoàn toàn bị chinh phục bởi “muối tiêu chanh” và “phở” VN.
Giáo sư Trần Văn Khê từng cho rằng: “Thưởng thức ẩm thực Việt phải sử dụng hết ngũ giác; từ mắt, mũi, lưỡi, răng và tai để cảm nhận”. Cha ông mình từng dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ăn là ưu tiên hàng đầu, kể cả trong “tứ khoái” của cuộc sống. Du lịch VN khẳng định “Ẩm thực là thế mạnh nhất của VN”...
Ẩm thực Việt phong phú và độc đáo bao nhiêu thì văn hóa ẩm thực Việt lại luộm thuộm bấy nhiêu. Từ việc ăn uống hùng hục như “tằm ăn dâu”, không cần biết trời đất; đến dùng muỗng và đũa chung, gắp đồ ăn cho người khác... Riêng khoản vệ sinh ẩm thực thì hỡi ôi, hãi hùng đến kinh ngạc. Xưa, đổ lỗi cho nghèo khó, ăn cốt lấy no. Nay, cuộc sống đã có phần khấm khá, nhưng người Việt vẫn ăn uống như ngày xưa, thậm chí tệ hơn. Nhiều người ăn xong thích lấy đũa quệt miệng cho khác người hoặc ngậm tăm nghênh ngang cho thiên hạ biết mình còn răng. Thích dùng muỗng riêng, dính đầy nước miếng để hòa vào tô canh, nồi lẩu; thể hiện tính cộng đồng kiểu “hôn nhau tập thể”. Đũa dính nước miếng, cũng thoải mái “lùng sục” thức ăn chung. Nhiều người cứ vô tư gắp đồ ăn cho người khác, bất kể họ có thích, có ăn được hay không...
Đi chợ nổi, thấy người bán đổ đồ ăn thừa, vứt rác xuống sông rồi dùng nước sông rửa chén. Hoặc cứ bắt buộc ngắm cảnh cư dân ven sông đi vệ sinh, tắm giặt tại chỗ là hoa mắt váng đầu, xin rút ngắn chương trình, về sớm. Khách hỏi mấy quán đặc sản và muốn trải nghiệm ẩm thực đường phố nhưng đến nơi là họ ngán ngại.
Một đất nước văn minh không thể để vệ sinh ẩm thực nhếch nhác và bẩn thỉu như vậy. Du lịch không thể phát triển nếu vẫn tồn tại văn hóa “ăn uống là xả rác” như hiện nay. Cả người bán và người mua đều phải thay đổi những thói quen nguy hại.
Ngành y tế đã có những quy định khá cụ thể nhưng không ai nhớ, cũng không ai nhắc nhở hay xử phạt để răn đe. Người Khmer nghèo hơn người Việt nhưng quán ăn nào của họ cũng có ly nước sôi để trụng muỗng, đũa. Họ dùng muỗng để lấy thức ăn chung ra đĩa riêng từng người. Trong nhà vệ sinh dã chiến hay trước mỗi bữa ăn chính và phụ của tour “Khám phá hệ thống hang động Tú Làn”, dù trong hang, giữa rừng hay bên suối, đều có sẵn dung dịch sát khuẩn để rửa tay.
Việc mỗi bàn ăn có tô để đựng xương và đồ ăn thừa, dưới chân có thùng rác có thể làm ngay được. Người bán đeo khẩu trang, mang găng tay cao su, không dùng tay vừa đếm, nhận tiền vừa pha chế thức ăn. Mỗi món ăn đều có muỗng nĩa chung. Khi muốn gắp thức ăn cho ai nên hỏi ý họ trước. Trên xe, trên ghe luôn có sẵn thùng hoặc túi đựng rác. Các tài xế, tài công, chủ quán, hướng dẫn viên luôn nhắc nhở khách giữ vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định là việc làm giản đơn; ai cũng có thể làm.
Các cấp quản lý, chịu khó vi hành nhắc nhở và xử phạt theo quy định hiện hành. Ai cố tình thì phạt nặng, rút giấy phép (người bán) hoặc cấm cửa (người mua) thì chắc chắn tình hình sẽ thay đổi chỉ trong vài tháng.
Ăn uống mà xả rác và mất vệ sinh như hiện nay là tự bôi xấu vào mặt mình, tự mang họa bệnh tật vào thân. Người Việt, ai cũng muốn mình đẹp, càng phải sớm sửa lại những hành vi ăn uống hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.