Tại cuộc họp, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết giai đoạn 2023 và những năm tiếp theo TP thực hiện khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người dân với 4 nhóm chính: nhóm trẻ chưa đi học; nhóm trẻ mầm non, phổ thông (từ 3 - 18 tuổi); nhóm người lao động (từ 18 đến dưới 60 tuổi) và nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Năm 2023 ưu tiên khám đầu tiên cho nhóm người từ 60 tuổi trở lên. Mục đích là đảm bảo mỗi người dân TP đều được khám sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm (BKLN), lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Từ đó xác định được mô hình bệnh tật, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Tại cuộc giao ban, đại diện WHO tại VN nhấn mạnh tầm quan trọng phát hiện và quản lý người mắc BKLN. Bởi đây là bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm 71% (VN 77%), đứng đầu là tim mạch.
Nói về phát triển y tế cơ sở với WHO, TS-BS Vĩnh Châu cho biết thêm, năm 2022, ngành y tế TP đã được bố trí các nguồn vốn không thường xuyên là 56 tỉ đồng cho 50 trạm y tế (TYT) để mua sắm trang thiết bị y tế (26 tỉ đồng) và sửa chữa (36 tỉ đồng). Sở Y tế đã cấp 279 máy tính cho TYT để hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số. WHO sẽ hỗ trợ 75 máy đo huyết áp cho các TYT. Hiện TP có 46 TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, kế hoạch 2022 - 2023 TP sẽ có 146 TYT mô hình này.
Theo TS-BS Vĩnh Châu, về tăng cường nhân lực chuyên môn cho TYT, ngoài các bác sĩ mới ra trường được tăng cường, các TYT đã ký hợp đồng với 108 người, trong đó có 79 bác sĩ về hưu. Ký hợp đồng với 524 nhân viên vệ sinh và bảo vệ. Công tác tuyển dụng vẫn tiếp tục vì nhu cầu của các TYT còn rất cao. TP đã thí điểm quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại 1 TYT ở Q.11 và sắp tới là Bình Thạnh, sau 3 tháng sẽ sơ kết. Vấn đề quan trọng là cung ứng thêm thuốc cho TYT cũng đang được TP xúc tiến.
Bình luận (0)