Đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thế nào?
Theo điều 8 Nghị định số 154 năm 2024 của Chính phủ, từ 10.1.2025, trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình, mà chỗ ở đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.
Theo điểm a khoản 2 điều 20 luật Cư trú quy định: "Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con".
Do đó, nếu đăng ký thường trú theo điểm a khoản 2 điều 20 luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.
Nếu đăng ký thường trú không thuộc điểm a khoản 2 điều 20 luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu, thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu, hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng, hoặc chứng thực.
Nếu đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu.
Việc lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định pháp luật, cha, mẹ, người giám hộ được thực hiện bằng một trong các hình thức sau:
- Ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
- Xác nhận nội dung đồng ý thông qua ứng dụng định danh quốc gia, hoặc dịch vụ công trực tuyến, hoặc cơ quan đăng ký cư trú trao đổi, lấy ý kiến trực tiếp thông qua việc kiểm tra, xác minh cư trú.
- Có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
Hộ gia đình đăng ký cư trú bằng cách nào?
Nếu hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới, thì chủ hộ chỉ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của luật Cư trú và kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Nếu một, hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới, thì một trong các thành viên đó thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình. Người thực hiện thủ tục được kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú, không phải nộp hồ sơ và thực hiện thêm các thủ tục đăng ký cư trú khác cho thành viên hộ gia đình.
Trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới, thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin nơi ở hiện tại của công dân vào cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công dân đăng ký tạm trú về với hộ gia đình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều 20 luật Cư trú khi chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý và không phải xuất trình, cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Cụ thể, khoản 2 điều 20 luật Cư trú quy định, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con.
- Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần, hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ.
- Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.
Khi hết thời hạn tạm trú, đại diện thành viên hộ gia đình được kê khai, đăng ký gia hạn tạm trú cho bản thân, hoặc các thành viên khác trong hộ gia đình khi được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, không phải xuất trình, cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Trường hợp công dân có nơi thường trú, nơi tạm trú và đã bị xóa đăng ký thường trú, tạm trú nhưng không xác định được nơi hiện đang cư trú, thì cơ quan đăng ký cư trú nơi đã xóa đăng ký thường trú, tạm trú có trách nhiệm tiếp tục thực hiện biện pháp quản lý cư trú đối với những trường hợp này.
Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm công an xã, phường, thị trấn; công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Bình luận (0)