Từ ngày 1.8, tặng cho và mua bán đất trồng lúa như thế nào?

Ngân Nga
Ngân Nga
07/07/2024 18:09 GMT+7

Bắt đầu từ ngày 1.8, luật Đất đai 2024 cho phép người dân dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng, được tặng cho đất trồng lúa không quá 3 ha.

"Cha mẹ tôi đều trên 70 tuổi, không còn khả năng làm ruộng nên muốn tặng cho tôi 1 thửa đất trồng lúa với diện tích 500 m2. Ngoài ra, cha mẹ tôi còn muốn bán 2 thửa đất ruộng với tổng diện tích 800 m2.

Hiện tôi không phải là nông dân, theo luật Đất đai 2024 chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 1.8 tới đây, thì cha mẹ có được tặng cho, viết di chúc cho con hưởng thừa kế đất ruộng như trên không? Cha mẹ tôi có thể bán đất ruộng cho người ngoài khi họ không phải là nông dân? Pháp luật quy định sao về trường hợp của tôi?".

Thắc mắc nêu trên là của bạn đọc Thanh Thảo.

Từ ngày 1.8, tặng cho và mua bán đất trồng lúa như thế nào?- Ảnh 1.

Theo quy định mới, người dân dù không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng, được tặng cho đất trồng lúa với diện tích đất không được quá 3 ha

ĐÌNH SƠN

Luật sư tư vấn

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, bắt đầu từ ngày 1.8 luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực. Khoản 7 điều 45 luật Đất đai 2024 quy định, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá "hạn mức" quy định tại điều 176, thì phải thành lập tổ chức kinh tế, có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thừa kế.

Về "hạn mức" giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Riêng đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì không quá 2 ha cho mỗi loại đất (điều 176 luật Đất đai 2024).

Theo đó, tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng, được UBND cấp huyện chấp thuận. Phương án phải có các nội dung chính như: địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất (khoản 6 điều 45 luật Đất đai 2024).

Do đó, với diện tích đất ruộng bạn nêu trên, thì cha mẹ bạn có quyền tặng cho con, hoặc làm di chúc, hoặc chuyển nhượng cho người khác, kể cả người nhận chuyển nhượng không phải là nông dân.

Bình luận (2)

avatar-user
H-FmGbo87xGWagBQVraSnA

Giá đình tôi có hơn 8 sào ruộng sản xuất, đến năm 1996 gia đình chuyển vào Nam sinh sống và giao ruộng lại cho người thân sản xuất. Ruộng của tôi khi đó chưa được cấp sổ đỏ. Nay tôi có thể yêu cầu nhận lại các thửa ruộng trước đây của mình có được không ạ và cần làm gì để có quyền sử dụng ạ. Xin được tư vấn giúp. Trân trọng!

Trả lời 1 10 tháng trước
avatar-user
-6a9_qI97xGWagBQVraSnA

Trước hết cần tìm hiểu xem phần đất đó đã được cấp GCN chưa? Nếu có thì cấp cho ai? Trường hợp cấp sai đối tượng thì bạn có thể khiếu nại UBND cấp huyện để thu hồi GCN đã cấp. Nếu việc khiếu nại không thành thì bạn có quyền khởi kiện ra tòa án để được giải quyết. Nếu người đang canh tác không trả lại đất thì bạn cũng có quyền khởi kiện để tranh chấp quyền sử dụng đất. Trường hợp đất chưa được cấp GCN thì bạn có thể tiến hành làm thủ tục đê nghị UBND cấp huyện cấp GCN (đối tượng cấp là người được giao đất trước đây)

Trả lời 10 tháng trước
avatar-user
cGgFA8I87xGWagBQVraSnA

Tôi là Đảng viên đang làm tại bệnh viện công. Xin hỏi sau ngày 1.8 tôi có thể được nhận cho tặng ruộng trồng lúa từ mẹ tôi không ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời 1 10 tháng trước
avatar-user
-6a9_qI97xGWagBQVraSnA

Khoản 7 điều 45 luật Đất đai 2024 không quy định đối tượng nhận QSDD nông nghiệp (đất trồng lúa) phải là thành viên của Hội Nông dân nên cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quyền nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Trả lời 10 tháng trước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.