Từ nghị quyết đến cuộc sống

27/06/2015 05:30 GMT+7

Hôm qua, trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ 9, QH khóa 13, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng có nói đến việc các ĐBQH đã dự báo những 'nguy cơ tiềm ẩn', trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của VN đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền VN ở quần đảo Trường Sa.

Hôm qua, trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ 9, QH khóa 13, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng có nói đến việc các ĐBQH đã dự báo những “nguy cơ tiềm ẩn”, trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của VN đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc Trung Quốc tiến hành xây đắp quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền VN ở quần đảo Trường Sa.

Đây thực sự là một vấn đề được các ĐBQH quan tâm trong thời gian qua và suốt kỳ họp, cũng là vấn đề có mặt trong hầu hết các kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành phố. Nó được người đứng đầu QH nhắc lại, cho thấy một thái độ rành mạch, một tiếng nói chung thống nhất ở cơ quan quyền lực cao nhất.
Nợ công và hội nhập cũng là câu chuyện khác đáng quan tâm. Câu hỏi làm thế nào để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã tuyên bố thoát ly nguồn vốn nhiều cạm bẫy này vẫn là câu hỏi day dứt.
Theo lộ trình, cuối năm nay VN sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), chuẩn bị kết thúc và ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nỗi lo về khả năng đáp ứng hội nhập và các tác động của nó đối với nền kinh tế non yếu của VN là nỗi lo có thật. Nhưng có vẻ cử tri chưa thật sự yên tâm, khi mà các báo cáo thích nói về cơ hội mà nó mang lại hơn là cảnh báo đầy đủ về những thách thức. Từ nghị quyết đến cuộc sống vẫn còn cần rất nhiều cầu nối, trong đó quan trọng nhất là các chính sách xuất phát từ yêu cầu bức xúc của cuộc sống.
Bài học khủng hoảng kinh tế những năm 2007 - 2008 sau khi VN gia nhập WTO phải được đúc rút một cách nghiêm túc, để các DN Việt không bỡ ngỡ mà thua trắng trên sân nhà khi việc gia nhập AEC hoàn thành.
Giải pháp then chốt để hội nhập thành công chính là nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, khả năng thích nghi của DN và người dân. Hội nhập, hiểu đơn giản có nghĩa là các DN vừa và nhỏ của VN sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với một tập đoàn bán lẻ toàn cầu, những người nông dân của VN sẽ phải cạnh tranh sản xuất và tiêu thụ (nông sản, thực phẩm) với một tập đoàn đa quốc gia. Vậy QH đã làm gì, hỗ trợ gì cho các DN Việt trong việc đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng suất? Chúng ta đã làm gì để đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế? Người dân đã biết gì về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm?
Nếu không thay đổi tư duy và đổi mới chính sách để người dân tạo ra các liên kết sản xuất, nhà nước tổ chức, tiếp cận thị trường tiêu thụ tốt hơn, thì sản xuất trong nước sẽ rất khó khăn khi tham gia vào cộng đồng chung sắp hình thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.