Tư nhân tham gia dự án 'khủng' chống ngập

05/06/2016 08:57 GMT+7

Ngày 3.6, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 đã được ký kết giữa UBND TP.HCM và nhà đầu tư Trung Nam Group. Đây là lần đầu tiên dự án chống ngập quy mô 'khủng' được giao cho tư nhân thực hiện.

Triển khai ngay trong tháng 6
Ông Đặng Công Chuẩn, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (doanh nghiệp dự án), cho biết sau khi hợp đồng được ký kết, nhà đầu tư sẽ triển khai ngay các công việc và ký hợp đồng tư vấn thiết kế, giám sát, hợp đồng tín dụng nhằm triển khai thi công dự án trong tháng 6.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.926 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thực hiện, nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM, đồng thời chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch để cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị, tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Theo ông Chuẩn, để đạt được mục tiêu nêu trên, dự án tập trung xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, bao gồm: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định; quy mô bề rộng cống từ 40 - 160 m; cao trình đáy cống từ âm 10 đến âm 3,6 m. Dự án còn xây dựng 1 trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12 m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 48 m3/giây, 1 trạm bơm tại cống Phú Định công suất 36 m3/giây. Tàu thuyền vẫn đảm bảo qua lại bình thường thông qua âu thuyền của các cống sau khi dự án đi vào hoạt động. Dự án cũng xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, trong đó giai đoạn 1 bao gồm khoảng 7,8 km đê/kè ở các đoạn xung yếu, 25 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; nhà quản lý trung tâm toàn dự án... Địa điểm xây dựng các hạng mục của công trình thuộc địa bàn các quận 1, 4, 7, 8, và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, cho rằng đây là dự án có kỹ thuật thi công khá phức tạp do hầu hết các hạng mục thi công trong nước, nền đất yếu, khẩu độ cống lớn. Việc hoàn thành dự án phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. “Cá nhân tôi cho rằng với trình độ công nghệ thi công, công nghệ vật liệu tiên tiến hiện nay, với mặt bằng thi công rộng, phân tán, các hạng mục công việc khá độc lập, để dự án hoàn thành sau 2 năm thi công xây dựng, ngoài nỗ lực của Trung Nam cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đặc biệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng”, ông Tiến nói. Còn theo ông Chuẩn thì “doanh nghiệp dự án cam kết sẽ nỗ lực chạy đua với thời gian để dự án hoàn thành đúng tiến độ”.
Tư nhân tham gia dự án 'khủng' chống ngập
Dự án sẽ xây gần 8 km kè ở các đoạn xung yếu ven sông Sài Gòn
Kênh rạch sẽ trở thành hồ điều tiết
Thanh toán hợp đồng bằng đất
Về phương thức thanh toán giá trị hợp đồng BT, chủ đầu tư được TP thanh toán bằng khu đất C8A, khu A - khu đô thị nam TP tại P.Tân Phú, Q.7 (5.500 m2), khu đất P.Phước Long B, Q.9 (4,2 ha) và khu đất số 232 Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long A, Q.9 (31.414,8 m2). Các khu đất khác dùng để thanh toán cho nhà đầu tư sẽ được xác định trong hợp đồng BT.
Về tính năng chống ngập của dự án, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết TP.HCM nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, giáp Biển Đông, với khoảng 60% diện tích có cao độ từ 1,5 m trở xuống, sẽ thường xuyên bị ngập khi triều cường nếu không có giải pháp chống ngập. Giải pháp tôn nền cao hơn mực nước triều cường đối với khu đô thị hiện hữu là không khả thi bởi đã được hình thành từ hàng trăm năm nay. Còn với 3 giải pháp ngăn hoặc hạn chế dòng triều Biển Đông từ xa, gồm: thứ nhất là xây dựng đê biển Vũng Tàu - Gò Công; thứ hai là làm cống/kè hở sông Nhà Bè, Lòng Tàu và thứ ba là chia vùng bảo vệ thành một số vùng nhỏ để ngăn triều (cụ thể là chia làm 3 vùng, vùng 1 - bờ hữu sông Sài Gòn, vùng 2 - bờ tả sông Sài Gòn, vùng 3 - vùng Cần Giờ), thì giải pháp 3 được các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý từ T.Ư đến địa phương đánh giá là giải pháp khả thi nhất về kỹ thuật, kinh tế, phù hợp khả năng đầu tư của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2008 (Quy hoạch 1547). Dự án giải quyết ngập do triều - giai đoạn 1 được UBND TP chấp thuận cho Trung Nam đầu tư là dự án quan trọng nằm trong Quy hoạch 1547 này.
Ông Tiến cho rằng ngoài việc đáp ứng nhiệm vụ ngăn triều cường, các cống còn vận hành để gạn triều nhằm đảm bảo giữ mực nước thấp trong hệ thống kênh rạch, tạo dung tích trống đón mưa, tạo độ dốc thủy lực nhằm thoát nhanh mực nước từ hệ thống cống thoát nước. Ngoài ra, dự án còn bố trí 3 trạm bơm điện tại 3 cống (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Định) với công suất bơm 54 m³/giây (dự phòng thêm 42 m³/giây cho kịch bản biến đổi khí hậu). Phần dung tích trống dự phòng đón mưa này chính là dung tích điều tiết khổng lồ do dự án tạo ra mà chúng ta cần có.
Có thể nói đây là giải pháp hồ điều tiết hiệu quả nhất vì tận dụng được toàn bộ hệ thống kênh rạch hiện tại để làm hồ mà không cần phải xây dựng, giải phóng mặt bằng. Các hồ này phân tán và trải dài toàn bộ khu vực, sẽ có tác dụng rút nước từ hệ thống cống tiêu thoát nhanh hơn so với các hồ điều tiết nước tập trung.
Để phát huy tốt hiệu quả dự án, cần rà soát quy hoạch tiêu thoát nước (Quy hoạch 752 lập từ năm 2000 đã quá lâu, một số chỉ tiêu kỹ thuật không còn phù hợp); đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đảm bảo đủ khẩu diện thoát nước tại những khu vực chưa đủ khẩu diện; nạo vét hệ thống kênh rạch được thông thoáng. Song song với đó là tăng cường công tác cảnh báo, dự báo sớm, chính xác hóa quy trình vận hành, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người dân trong việc chống ngập, xả rác...
Ông Tiến khẳng định: “Chắc chắn, sau khi xây dựng dự án sẽ phát huy hiệu quả chống ngập đặc biệt là ngập do triều cường sẽ không còn”.
Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết do nguồn vốn ngân sách để thực hiện Quy hoạch 1547 bị thiếu khiến việc thực hiện quy hoạch bị chậm trễ nhiều năm. Trước tình hình đó, UBND TP đã kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn bên ngoài. Hiện nay, dự án do Trung Nam thực hiện sẽ giải quyết ngập do triều cường trên khu vực rộng 550 km2. Song song đó, Trung tâm chống ngập TP vẫn tiếp tục đầu tư thực hiện các công trình chống ngập theo Quy hoạch 752, nhất là hoàn thiện hệ thống cống thoát nước nội thị để giải quyết hết ngập do mưa. "Đến năm 2018, khi dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu hoàn thành, kết hợp với việc hoàn thiện các dự án thoát nước nội thị thì đến năm 2020 TP.HCM sẽ cơ bản hết ngập”, ông Công cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.