Từ những dấu hiệu không lành mạnh...

20/12/2005 23:49 GMT+7

Dư luận cả nước xôn xao về những tin tức liên quan đến đội bóng đá U.23 Việt Nam tại SEA Games Philippines. Sự thật đến mức nào, đấy là một mặt của vấn đề trong khi bản thân để xảy ra sự việc mới đúng là mặt chính yếu gây vừa phẫn nộ vừa đau lòng trong công luận - tất nhiên, tổn thương đến danh dự quốc gia.

Giữa lúc rất nhiều hiện tượng tiêu cực trên nhiều mặt hoạt động xã hội phá hoại đáng kể nỗ lực chung của mọi người Việt Nam dù sinh sống ở đâu đang cố gắng hết sức mình vượt khó khăn và vươn lên tầng cao mới trong cuộc chạy đua cực kỳ khẩn trương vì dân giàu nước mạnh. Với những hạng người bán rẻ tất cả để thu nhiều nhất lợi lộc, quyền thế, đúng là phạm tội ác khó dung tha.

Tôi muốn lưu ý những cơ quan có trách nhiệm về cái có thể gọi là "tiêu cực" rộ lên với cường độ cao "rờ đâu cũng gặp" chắc chắn có liên quan đến một loại não trạng nào đó, kiểu "gấp rút chụp giựt" trước khi "môi trường làm ăn" bị thu hẹp, do luật pháp, do dân chủ và do cả sự phẫn nộ của công chúng.

Chúng ta sẽ không nói nhiều về những ham hố tội lỗi mà quan tâm hơn cách ngăn ngừa, nhất là sửa trị tội lỗi. Trở lại chuyện bóng đá, đâu phải nó mới gây bức bối cho xã hội ở SEA Games lần này. Nói cách nào đó, tiêu cực - cụ thể là bán độ, thậm chí bán độ trắng trợn - đã được báo động từ lâu. Chúng ta có thấy lạ không khi những vụ cá độ đến mức bán danh dự quốc gia luôn phải chờ nghiệp vụ của công an ra tay khám phá. Thế còn toàn bộ hệ thống tổ chức của ngành, của đội làm gì? Tôi đồng ý không nên "trăm dâu đổ đầu tằm", mọi tội lỗi xua về phía một số cầu thủ nào đó - cầu thủ làm bậy thì phải trị, dứt khoát như vậy - nhưng một đội tuyển quốc gia phải đâu cả một xã hội, cả một thị trấn, một làng, nó gồm bao nhiêu người và tính khí từng người không có gì là bí mật trước đồng đội và người có trách nhiệm quản lý.

Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà một cầu thủ ưỡn người, gác chân lên bàn, hỏi một lãnh đạo Liên đoàn bóng đá về tiền thưởng, như chúng ta đọc trên báo. Cái gì thúc đẩy anh cầu thủ ấy ngạo mạn đến cỡ đó? Rồi bây giờ, công an bắt tay điều tra thì cầu thủ khai báo lại sợ những thế lực nào đó đe dọa sự an toàn bản thân hoặc những người thân khác. Thế thì công lý có còn không?

Cải cách bóng đá theo hướng cho phép cá độ một cách hợp pháp, có kiểm soát chặt chẽ là một lối ra, song chưa đủ. Cần phải có điều luật nói rõ những nhóm, những cá nhân cá độ nào tiếp cận với cầu thủ để xếp đặt tỷ số, nhóm đó phải chịu trừng phạt thích đáng. Đầu sỏ xếp đặt tỷ số, người trong bộ máy quản lý, cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài mà phạm pháp, tội phải cao hơn - chẳng có hình thức xử lý nội bộ nào cả mà ra tòa và cái giá là thời gian ở tù, có khi tính bằng đơn vị năm.

Tôi cảm thấy chỉnh đốn bóng đá chuyên nghiệp ở ta thực sự chưa thành hình thù, sử dụng con người cũng không theo tiêu chí đúng nghĩa. Ngay chuyện bỏ phiếu để chọn cầu thủ xuất sắc, thậm chí cầu thủ nổi tiếng cả thế kỷ, dư luận vẫn thấy lá phiếu giống như sự đùa cợt, ở đây có phe đảng, có tình cảm, có nhiều thứ nữa. Cái gì cũng vậy, đã không rõ thì nhất định sẽ rối.

Tôi tự hỏi thể thao dự SEA Games gồm nhiều bộ môn nhưng tại sao những vận động viên các bộ môn khác nói chung mang tự hào về cho đất nước, còn bóng đá thì không? Câu hỏi này mong được trả lời. Đừng an ủi bằng chiếc huy chương bạc.

Đã đến lúc, theo tôi, chính Thủ tướng Chính phủ và Ban Khoa giáo trung ương xắn tay áo vào một vụ, ta gọi đích danh "chuyên án bóng đá ở SEA Games Philippines". Malaysia từng khốn khổ giống như ta đang khốn khổ, nhưng Chính phủ Malaysia quyết làm sạch bóng đá và bóng đá Malaysia phát triển.

Chắc ở Việt Nam tình hình không đến nỗi khó hơn Malaysia...

12/2005
Trần Bạch Đằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.