Tháng 4.2017, cái tên Phan Trọng Hiếu lại được nhắc nhiều khi em được lắp cánh tay robot, món quà bất ngờ từ dự án Cánh tay robot của nhóm giảng viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). Giữa hai kết quả sáng tạo ấy là một khoảng cách về công nghệ, nhưng được kết nối bằng tấm lòng.
Phan Trọng Hiếu, cùng với Trần Đăng Khoa (học sinh lớp 6, cũng ở H.Đại Lộc, Quảng Nam) là nhóm đầu tiên được tặng quà. Cánh tay robot mà dự án tặng cho Hiếu là dòng sản phẩm “đời thứ 4”, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện để khoảng 4 tháng nữa cho ra đời dòng sản phẩm “đời thứ 5”, đáp ứng các yếu tố thẩm mỹ và người sử dụng cảm thấy tự tin.
Nhóm nghiên cứu do thạc sĩ Đặng Ngọc Sỹ, Phó giám đốc Trung tâm điện - điện tử (ĐH Duy Tân) dẫn đầu gồm 6 thành viên, toàn những người dưới 35 tuổi. Họ không quá xa lạ với cộng đồng tại các cuộc thi Sáng tạo robot (Robocon) VN, từng đoạt giải Robot bằng tay xuất sắc nhất và Robot tự động xuất sắc nhất năm 2013.
Với sản phẩm cánh tay robot cho người khuyết tật, Phạm Huy, học sinh lớp 11 ở Quảng Trị từng đoạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế do Intel tổ chức (Intel ISEF) tại Mỹ. Khởi sự nghiên cứu từ cuối năm lớp 10: cánh tay robot công nghiệp, bàn tay robot mô phỏng tay người, xe điều khiển bằng sóng bluetooth… là những “sản phẩm” khác nữa của cậu con trai người thợ sửa xe đạp.
tin liên quan
Nam sinh lớp 8 'hô biến' ống nhựa thành đôi tay vẽ ước mơMất đôi tay do bom mìn, nhưng Hiếu vẫn cố gắng đến lớp giống bạn bè cùng trang lứa. Và viết tiếp ước mơ của mình bằng cách cắm bút vào ống nhựa để viết chữ và đam mê được học hành.
Có gì giống nhau giữa nhóm nghiên cứu của ĐH Duy Tân, của Phạm Huy với những người như Nguyễn Hoàng Nam (ở Trà Vinh), dù chỉ học hết cấp 2 nhưng trở thành chủ nhân sản phẩm robot thông cống? Đó là khát khao sáng tạo không ngừng nghỉ và luôn hướng về cộng đồng. Như ý tưởng chế tạo “con” robot có thể làm việc thay 6 - 7 người của anh Nam vốn dĩ xuất phát từ những lần chứng kiến cảnh công nhân chui sâu trong các ống cống thông rác. Lúc đó, anh đang làm thuê ở TP.HCM.
Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 “làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học” (theo định nghĩa của Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới) đang nhắc đến nhiều tại VN, có một niềm hứng khởi lan rộng trong giới trẻ. Robot (người máy) hay cánh tay robot không có tuổi, mà chỉ “đo đếm” được thông qua hàm lượng chất xám và trí tuệ nhân tạo. “Robot trẻ” là cách gọi riêng cho những sản phẩm nghiên cứu của người trẻ, có sự hòa quyện giữa trí tuệ và cảm xúc. Xã hội, cộng đồng cần đánh thức đam mê và thổi bùng cảm xúc từ phía họ.
Bình luận (0)