Từ ông bà chủ trẻ thành người làm thuê vì dịch Covid-19

Vũ Thơ
Vũ Thơ
03/11/2021 14:25 GMT+7

Từng là “bà chủ 9X” khởi nghiệp thành công với mô hình du lịch cộng đồng , nhưng gia đình chị Lý Thị Sam Sung (ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, H.Yên Bình, tỉnh Yên Bái), bỗng chốc rơi vào cảnh lao đao vì dịch Covid-19.

Từng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Chị Lý Thị Sam Sung (27 tuổi) là điển hình trong phát triển kinh tế với mô hình du lịch cộng đồng homestay ở Yên Bái. Là cô gái dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, H.Yên Bình, tỉnh Yên Bái, gần hồ Thác Bà - vùng đất thơ mộng, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Học hết lớp 12, Sam Sung quyết định dừng việc học để ở nhà làm kinh tế.

Năm 2015 chị lập gia đình cùng anh Tướng Văn Hoàn (33 tuổi) và bắt đầu hành trình khởi nghiệp trên quê hương. Với mong muốn góp phần gìn giữ, quảng bá rộng rãi bản sắc văn hóa dân tộc đến đông đảo du khách, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam địa phương, chị đứng ra thành lập tổ hợp tác phát triển kinh tế du lịch cộng đồng thôn Ngòi Tu, do thanh niên làm chủ.

Vợ chồng chị Lý Thị Sam Sung từng có cuộc sống viên mãn với mô hình khởi nghiệp du lịch cộng đồng

nvcc

Khi ấy, chị tập hợp được 3 hộ gia đình trẻ tham gia tổ hợp tác thanh niên tiên phong trong du lịch cộng đồng. Mỗi hộ gia đình có một nhà sàn, có phòng ngủ khép kín cho khách lưu trú.

Đến xã Vũ Linh, du khách được trải nghiệm đi thuyền tham quan lòng hồ Thác Bà với hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, được sống, được ăn ở với đồng bào để hiểu rõ hơn về cuộc sống, ẩm thực, văn hóa của địa phương. Họ cũng được khoác lên mình bộ trang phục của người Dao quần trắng và nếu may mắn đến đúng dịp sẽ được tham gia lễ hội cấp sắc của người Dao.

Nhiều du khách nước ngoài đến trải nghiệm ở khu du lịch cộng đồng do gia đình chị Lý Thị Sam Sung làm chủ

nvcc

Hầu hết khách du lịch khi đến đây đã rất hài lòng bởi sự tận tình, chu đáo và thích thú khi được trải nghiệm, được hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa. Có thời điểm trong một ngày mỗi hộ gia đình đón đến 35 vị khách nước ngoài, 45 - 50 người khách Việt đến tham quan du lịch.

Các thành viên trong mô hình du lịch cộng đồng từng có thu nhập ổn định

nvcc

Mô hình không những tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương với du khách trong và ngoài nước. Tới năm 2019, mô hình của gia đình chị hoạt động ổn định, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho các đoàn viên thanh niên trong xã, với thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

“Giờ tôi đi phụ hồ, công nhân rửa chuồng lợn…”

Chị Sam Sung cho biết khi mô hình khởi nghiệp thành công, vợ chồng chị đã dồn hết tài sản vốn liếng đầu tư vào xây dựng các công trình phục vụ du khách, nên không có đồng nào dư giả. Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ ập đến khiến gia đình chị rơi vào cảnh lao đao.

“Không có khách du lịch cũng đồng nghĩa với không có thu nhập, trong khi không có đồng nào tích lũy, nên chúng tôi phải đi làm thuê kiếm từng đồng”, anh Hoàn, chồng chị Lý Thị Sam Sung chia sẻ. Gia đình chị có 2 bố mẹ già và 2 con nhỏ (1 cháu 6 tuổi và 1 cháu 4 tuổi), nên cuộc sống vô cùng chật vật vì phải chạy ăn từng bữa.

Vợ chồng chị Lý Thị Sam Sung đang phải đối mặt với những khó khăn do Covid-19

nvcc

“Dịch đến làm cuộc sống đảo lộn, từ cuộc sống bình thường với thu nhập ổn định, giờ vợ chồng tôi đều đi làm mướn để sinh sống qua ngày. Tôi đi làm cả phụ hồ, công nhân rửa chuồng lợn…”, anh Hoàn tâm sự. Còn chị Sam Sung cũng cho biết chị phải đi phát đồi thuê, cấy thuê, phơi ván thuê… nhưng cũng chỉ đủ rau cháo nuôi con.

“Gia đình tôi phải chắt chiu từng đồng mới đủ sống. Đến bếp ga cũng không dám dùng vì không có tiền, nên tôi đi kiếm củi về đun nấu. Thức ăn thì tự nuôi cá, trồng rau, thỉnh thoảng mới dám mua thịt lợn…”, chị Sam Sung buồn rầu nói.

Từ khi bị ảnh hưởng của dịch, vợ chồng chị đôi khi còn xảy ra xích mích bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. “Không có dịch chẳng đến nỗi khổ thế. Vì không có nguồn thu nhập ổn định, con cái đi học bao nhiêu thứ phải lo, nên vợ chồng tôi có lúc cơm không lành, canh không ngọt”, anh Hoàn trải lòng.

May mắn là vợ chồng chị lại được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hỗ trợ để vay nguồn vốn giúp thanh niên khởi nghiệp với 200 triệu đồng. Với nguồn vốn này gia đình chị lại tái khởi nghiệp bằng việc nuôi lợn nái.

“Cuộc sống trước mắt còn nhiều gian nan nhưng chúng tôi đã may mắn tiếp tục được tổ chức Hội hỗ trợ để chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Hy vọng khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì mô hình du lịch cộng đồng tiếp tục được khôi phục, mang lại nguồn thu cho gia đình và người dân trong vùng. Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tổ chức Hội tiếp tục đồng hành, quan tâm đến thanh niên, giúp họ ổn định cuộc sống”, chị Sam Sung chia sẻ.

Nơi chia sẻ khó khăn

Triển khai Nghị quyết Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021 - 2025, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Diễn đàn đối thoại “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” với chủ đề “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới”.

Diễn đàn với sự tham gia của các khách mời là chuyên gia tâm lý học, xã hội học, y tế và các đại diện gia đình trẻ sẽ chia sẻ về những thách thức mà các gia đình trẻ gặp phải do dịch bệnh Covid - 19. Thông qua diễn đàn các gia đình trẻ có thể chia sẻ khó khăn, bày tỏ những mong muốn được hỗ trợ để vươn lên trong cuộc sống; các chuyên gia cũng sẽ tư vấn về các giải pháp về kinh tế, ứng xử, nuôi dạy con cái… để đối mặt với dịch Covid-19. Diễn đàn diễn ra vào ngày 7.11.2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.