Từ phản ánh của Báo Thanh Niên, đại biểu cảnh báo bất cập đấu giá khoáng sản

28/06/2024 17:38 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhiều lần dẫn thông tin Báo Thanh Niên phản ánh để cảnh báo về các vấn đề bất cập trong công tác đấu giá khoáng sản.

Chiều 28.6, thảo luận về dự án luật Địa chất và Khoáng sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhiều lần dẫn thông tin mà Báo Thanh Niên phản ánh để cảnh báo về các vấn đề bất cập trong công tác đấu giá khoáng sản.

Từ phản ánh của Báo Thanh Niên, đại biểu cảnh báo bất cập đấu giá khoáng sản- Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

GIA HÂN

Chỉ tính riêng bauxite, nguy cơ thất thoát 20 tỉ USD

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, dù Bộ trưởng Bộ TN-MT nói phần lớn đại biểu đồng tình với dự thảo luật, nhưng một số đại biểu lại đang không yên tâm đối với 2 nội dung.

Thứ nhất là quy định về đấu giá. Ông Nghĩa dẫn số liệu Báo Thanh Niên phản ánh, sau 13 năm thi hành luật Khoáng sản năm 2010, trong số 441 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN-MT cấp, chỉ có 10 giấy phép được cấp thông qua đấu giá, tỷ lệ 2,2%.

Còn ở địa phương, trong số 5.200 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp ở 63 tỉnh, thành, chỉ 827 giấy phép được cấp thông qua đấu giá, tỷ lệ 16%. Tính trên phạm vi cả nước, tỷ lệ các mỏ khoáng sản được cấp phép thông qua đấu giá chỉ đạt 14,8%.

Ông Nghĩa cho rằng, tỷ lệ cấp phép xin - cho như vậy là rất cao, trong khi một số mỏ được đưa ra đấu giá và kết quả cho thấy tăng 20 - 40% so với giá khởi điểm.

Vẫn theo ông Nghĩa, khoáng sản được đấu giá chủ yếu dựa vào giá trị thương mại và nguồn thu; còn khoáng sản không đấu giá có thể xuất phát từ chính sách về an ninh quốc phòng, chiến lược về tài nguyên.

Ông đề nghị cần có tiêu chí rõ ràng để phân biệt khoáng sản nào được đấu giá, khoáng sản nào không đấu giá, "đọc lên để thấy chúng ta không đấu giá mà sử dụng cơ chế xin - cho là có ý nghĩa chiến lược quan trọng, hay vì quá không quan trọng nên không đấu giá".

Quy định rõ ràng thì khi luật ra đời sẽ giúp doanh nghiệp, người dân có thể khai thác khoáng sản để phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia, nhất là những khoáng sản mang tính chiến lược. Nếu giao cho Chính phủ, Chính phủ lại bàn với bộ, ngành, sẽ dẫn tới kéo dài, chậm trễ, không thuận lợi.

Từ phản ánh của Báo Thanh Niên, đại biểu cảnh báo bất cập đấu giá khoáng sản- Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận về dự án luật Địa chất và Khoáng sản

GIA HÂN

Thứ hai là quy định về xác định giá khởi điểm khi đấu giá khoáng sản. Ông Nghĩa tiếp tục dẫn thông tin Báo Thanh Niên đăng tải, Nghị định 22/2012 của Chính phủ quy định giá khởi điểm trong đấu giá khai thác khoáng sản không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Thế nhưng, Thông tư liên tịch số 54 của Bộ TN-MT và Bộ Tài chính lại hướng dẫn giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản xác định bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Chưa kể, tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản của Việt Nam còn thấp. Chỉ tính bauxite, nếu so sánh với giá khởi điểm của Trung Quốc, Ấn Độ thì trong 10 năm qua số tiền có thể thất thoát là khoảng 7,5 tỉ USD. Với trữ lượng bauxite của Việt Nam khoảng 31 tỉ tấn, nếu vẫn giữ nguyên giá khởi điểm bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ngân sách có thể mất đi khoảng 20 tỉ USD.

Thực tiễn đang đặt ra vấn đề như đã nêu, nhưng điều 106 dự thảo luật tiếp tục quy định giá khởi điểm đấu giá khai thác khoáng sản bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá. Ông Nghĩa cảnh báo, nếu quy định như dự thảo luật, tình trạng thất thoát sẽ không khắc phục được.

Từ phản ánh của Báo Thanh Niên, đại biểu cảnh báo bất cập đấu giá khoáng sản- Ảnh 3.

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh

GIA HÂN

Một số khoáng sản phải để tập đoàn nhà nước khai thác

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh thông tin thêm về nội dung đấu thầu, đấu giá được nhiều đại biểu quan tâm.

Ông Khánh nêu quan điểm, quy định trong dự thảo luật nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản, đảm bảo an ninh năng lượng, chiến lược khoáng sản của quốc gia. Theo dự thảo, Chính phủ sẽ quy định cụ thể một vài loại khoáng sản để cho các tập đoàn nhà nước khai thác như than hay bauxite...

"Những khoáng sản liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia do Chính phủ quy định, các loại khoáng sản còn lại sẽ tính đến chuyện đấu giá. Việc đấu giá để đảm bảo khai thác hiệu quả và nguồn thu cao nhất. Hiện nay, các tập đoàn nhà nước không phải đấu giá, nhưng vẫn nộp tiền khai thác và thuế tài nguyên bình thường", ông Khánh nói.

Ngoài ra, với nội dung thăm dò khoáng sản, theo Bộ trưởng Khánh, thực tế ngân sách chưa đủ để thăm dò trữ lượng, nên phải xã hội hóa, doanh nghiệp bỏ tiền thăm dò. Tuy nhiên, ông cũng đồng tình với các đại biểu nên đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác này.

Ví dụ như khoáng sản nhóm 1 và nhóm 2, Nhà nước bỏ tiền ra thăm dò trữ lượng sau đó tiến hành đấu thầu, đấu giá (trừ một số loại liên quan an ninh năng lượng). Còn với khoáng sản loại 3 như vật liệu xây dựng thì khuyến khích địa phương bỏ tiền thăm dò sau đó đấu giá, từ đó thu hút các doanh nghiệp có tiền, có công nghệ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.