Tư pháp là lĩnh vực khó phòng ngừa tham nhũng nhất vì quá... khép kín

24/03/2017 17:20 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, hoạt động tư pháp là lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với người dân so với các ngành khác như hành chính nhà nước, nên rất khó phòng chống tham nhũng .

Sáng nay 24.3, Ban Nội chính T.Ư đã tổ chức hội thảo hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Nhiều chuyên gia pháp luật nhìn nhận, quy định pháp luật hiện hành đang tạo nhiều kẽ hở về tham nhũng trong lĩnh vực này.
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND tối cao cho rằng nguy cơ tiêu cực, tham nhũng có thể xuất hiện ngay trong việc tiếp nhận đơn khởi khiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Theo ông Độ, quy định pháp luật hiện nay không chặt chẽ tạo ra nhiều khoảng hở cho hành vi tham nhũng. “Ở ta, thụ lý và xét xử là một, cho nên đương sự chỉ cần theo từ lúc thụ lý là đi đến cuối cùng vụ án, còn ở nước ngoài thụ ký khác với xét xử để không tạo điều kiện cho đương sự bám theo, như thế là độc lập và kiểm soát lẫn nhau”, ông Độ nói. Ông Độ cho rằng việc phân công trách nhiệm không rõ ràng giữa người có trách nhiệm trong tòa án trực tiếp nhận đơn và thẩm phán thụ lý dẫn đến tình trạng thẩm phán lựa chọn vụ án để thụ lý. Trong khi đó, ở nhiều nước, thẩm phán được phân công thụ lý bằng cách bấm nút, bấm phải nút vụ nào thì xử vụ đó.
Từ đó, nguyên Chánh án tòa án nhân dân tối cao cho rằng, phải đảm bảo độc lập của thẩm phán, độc lập ngay trong nội bộ tòa án với đương sự và người tham gia tố tụng.
Ông Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng trong hệ thống tố tụng, các quy trình về điều tra, truy tố, xét xử có quan hệ chế ước lẫn nhau. Tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chạy được là do “hệ thống tố tụng chúng ta chưa bít kín những lỗ hổng”, ông Đường nói. Theo ông Đường, những lỗ hổng ở đây là các chức danh tư pháp chưa độc lập. Trong đó, pháp luật hiện nay chưa ngăn cấm một cách tuyệt đối mối quan hệ giữa những người trong hợp đồng xét xử với luật sư, đương sự. Làm thế nào để không có sự tiếp xúc giữa 2 bên dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Ngoài ra, mối quan hệ giữa các cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm chưa độc lập nên dễ móc ngoặc với nhau làm thay đổi bản án.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, hoạt động tư pháp vẫn là lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với người dân so với các ngành khác như hành chính nhà nước. Do đó, ông kiến nghị cần đẩy mạnh minh bạch hoá hoạt động tư pháp.
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng Đặng Bá Cường cũng nhìn nhận, tư pháp là lĩnh vực khó phòng ngừa tham nhũng nhất vì hoạt động này khép kín.
“Nếu không ngăn chặn được tham nhũng trong tư pháp thì không thể ngăn tham nhũng trong các lĩnh vực khác”, ông Cường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.