Bà Vân cho biết bà cùng chồng là ông Nguyễn Lễ làm nghề chế biến hồng khô Đà Lạt đã 32 năm. Cách đây 5 năm, tình cờ bà nghe nói có một số chuyên gia thuộc Tổ chức JICA (Nhật Bản) đến Đà Lạt truyền đạt kỹ thuật chế biến hồng khô, bà lân la dò hỏi. Sau đó, chuyên gia Nhật Bản đến cơ sở chế biến hồng khô của bà tham quan rồi đồng ý hướng dẫn công nghệ chế biến hồng sấy khô của Nhật.
Thay vì đưa trái hồng vào lò than hay điện để sấy, người Nhật lại treo trái hồng thành từng dây để “sấy gió” tự nhiên. Muốn làm hồng khô kiểu Nhật phải chọn trái chín già, khi thu hoạch để nguyên cuống. Sau khi gọt sạch vỏ, dùng kẹp nhựa kẹp cuống trái hồng gắn vào dây treo lên giàn. Nếu thời tiết khô ráo, nắng đẹp nhiệt độ bảo đảm từ 25 - 28 độ C thì sau 22 ngày sấy gió trái hồng sẽ khô có thể đóng gói xuất bán.
Nghe thì đơn giản nhưng để thành công bà Vân cũng từng “trả giá đắt” và tự rút nhiều bài học kinh nghiệm. Lần đầu thực hiện bà Vân bỏ ra hơn 20 triệu đồng xuống tận Đơn Dương mua 2 tấn hồng chín đẹp về chế biến. Nhưng chỉ sau 5 ngày sấy gió trái hồng đồng loạt rơi khỏi cuống. Sau đó bà Vân tìm hiểu mới biết trước khi thu hoạch, chủ vườn hồng bơm thuốc dưỡng để kéo dài thời gian thu hoạch nên xảy ra hiện tượng hồng tuột cuống. Đầu tháng 11, thấy trời lóe nắng bà Vân tập trung nhân công chế biến 2 tấn hồng theo công nghệ Nhật Bản, nhưng sau 3 ngày, Đà Lạt mưa dầm nên hồng không thể khô vì nhiệt độ xuống thấp và độ ẩm quá cao, hồng bị thối phải đổ bỏ.
Để làm hồng sấy công nghệ Nhật Bản, bà Vân xây dựng một dãy nhà bên triền đồi, mái lợp ni lông (loại làm nhà kính trồng rau hoa), bên dưới căng thêm một lớp lưới màu xanh để giảm ánh nắng nhưng vẫn thu được nhiệt tự nhiên. Để chống ẩm, bà trang bị một lò sưởi và hệ thống ống dẫn khí nóng dọc dưới sàn nhà, khi độ ẩm tăng cao sẽ vận hành. Một mặt nhà kính hướng ra thung lũng không thưng che để hứng gió sấy cho hồng khô. Với cách làm này, sau 22 ngày trái hồng sẽ khô, dẻo và giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên. Bà Vân chia sẻ thêm, muốn chế biến hồng sấy khô kiểu Nhật thì điều đầu tiên phải chọn trái hồng già và chín tự nhiên (không bơm bất cứ loại thuốc gì), thời tiết phải thật nắng ráo, từ tháng 11 khi mùa mưa chấm dứt, độ ẩm từ 45 - 50%, nếu độ ẩm tăng cao hơn phải sử dụng hệ thống sưởi ấm.
Nói về hiệu quả kinh tế, bà Vân cho biết với hồng sấy theo cách truyền thống bán giá từ 160.000 - 200.000 đồng/kg; còn hồng sấy kiểu Nhật Bản giá bán sỉ 300.000 đồng/kg, sản xuất tới đâu bán hết tới đó. Trung bình cứ 5 kg hồng tươi cho 1 kg hồng khô, nhưng để có hồng đạt chất lượng theo yêu cầu, bà đề nghị các nông hộ để trái hồng thật già và bà thu mua 12.000 đồng/kg (bình thường nhà vườn chỉ bán từ 5.000 - 7.000 đồng/kg). Hiện nay có 3 loại hồng có thể sấy khô theo công nghệ Nhật Bản gồm hồng vuông Tám Hải, hồng vuông Đồng và cả hồng trứng Lốc vì thịt quả chắc, ngọt, phù hợp sấy gió và đặc biệt vụ thu hoạch hồng khá trễ, từ tháng 12 kéo dài đến tháng 2 năm sau.
Gia đình bà Vân đang có 2 ha hồng trồng xen trong cà phê, nay bà đang trồng thêm hồng và sẽ ghép giống vuông Đồng để cho năng suất và chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chế biến hồng khô công nghệ Nhật Bản. Bà cho biết thêm, hằng năm từ tháng 9 gia đình bà bắt đầu thu hoạch và thu mua hồng để chế biến hồng sấy truyền thống; từ tháng 11 đến tháng 2 thu mua hồng trái vụ để chế biến theo công nghệ của Nhật. Mỗi năm gia đình bà thu mua trên 50 tấn hồng để chế biến hồng sấy. Sản phẩm hồng sấy được các mối hàng ở Hà Nội, TP.HCM và ở Đà Lạt đặt mua nhưng không đủ đáp ứng. Thu nhập của gia đình tăng thêm. “Từ ngày sản xuất hồng khô theo công nghệ Nhật Bản giá trị của hồng sấy tăng lên rõ rệt, thời gian chế biến hồng sấy được kéo dài thêm, nhờ đó thu nhập của gia đình cũng tăng theo” - bà Vân phấn khởi nói.
Bạn đọc quan tâm, muốn tìm hiểu về công nghệ chế biến hồng khô của Nhật Bản, có thể điện thoại liên lạc với bà Vân: 0916655756.
Bình luận (0)