Ông Tâm (56 tuổi, ngụ ấp 4, xã Xà Phiên, H.Long Mỹ) kể trước đây ông không may bị tai nạn mất đi một chân, phải sống trong cảnh tật nguyền và làm bạn với đôi nạng gỗ. Trong khi đó, gia đình chỉ có 2 công đất, các con tuổi ăn tuổi học nên khó khăn nối tiếp khó khăn. Căn nhà lá trống trước trống sau, mưa dột khắp nơi. Ruộng đất không bao nhiêu nên ông phải đêm ngày giăng lưới, đặt lợp, cắm câu kiếm sống.
Năm 2010, tình cờ thấy một người dân địa phương bán rẻ 13 con rắn ri voi con họ nuôi nhưng không thành công, một số con đang mang bệnh nên ốm nhom, ông Tâm mua về nuôi thử. “Để nuôi được đàn rắn, tôi bắt đầu tìm hiểu cách thức chăm sóc, cho ăn. Nhưng có lẽ là cơ duyên nên chỉ một thời gian ngắn chăm sóc, đàn rắn hết bệnh, lớn nhanh rồi sinh sản”, ông Tâm nói.
Từ đó, những lứa rắn đẻ ra ông Tâm đều để lại nuôi nhân đàn. Ông tới kiểm lâm địa phương xin phép nuôi rắn ri; thiết kế bể xi măng kích thước 2,5 x 3,5 m để nuôi rắn thương phẩm và rắn bố mẹ. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, ông tự “hệ thống” cho mình một phương pháp nuôi từ tách đàn, phân cỡ, tập cho rắn ăn quen dần với các loại cá rô, cá sặt, cá chốt… “Rắn ri voi là loài vật hoang dã nên yếu tố quyết định thành công chính là tạo môi trường nuôi gần giống với thiên nhiên để rắn nhanh thích nghi”, ông Tâm chia sẻ. Từ đó, trong lúc đi giăng lưới, cắm câu, thấy những gốc cây ven sông bị sạt lở, trôi, ông liền vớt về phơi khô, sau đó đục những ngóc ngách nhỏ cho lớn ra rồi thả vào bể để rắn có nơi trú. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu cách thuần dưỡng rắn con đạt hiệu quả khá cao.
Theo ông Tâm, khi rắn con mới đẻ ra, ông cho vô vèo bằng lưới đặt ở các mương quanh nhà. Mục đích của cách nuôi này giúp rắn sống trong môi trường gần với tự nhiên, khi nuôi không tốn công thay nước, rắn ít nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Sau một thời gian sẽ tiến hành phân loại để chọn rắn theo kích cỡ đồng nhau bán rắn giống, hoặc tiếp tục đưa vào các bể nuôi thương phẩm hoặc dưỡng làm rắn bố mẹ.
Ông Tâm cho biết thêm, đối với nuôi trong vèo, phải sử dụng lưới mùng loại tốt, thả thêm ít lục bình và rong tự nhiên để che nắng làm chỗ cho rắn trú ẩn. Cách làm này vừa hạn chế được tình trạng cua cắn hư lưới, vừa tận dụng sức nước làm sạch môi trường nuôi, rắn phát triển nhanh. Còn đối với nuôi bể xi măng cố định, trước khi thả rắn vào phải xử lý hết mùi xi măng, cần thả thêm ít cá rô phi, cá tai tượng để chúng ăn rong rêu, làm sạch môi trường nước.
Có thể nói, các kỹ thuật nuôi hầu hết do ông Tâm tự tích lũy qua kinh nghiệm thực tế. Chính yếu tố này giúp ông hiểu rất rõ về rắn ri voi, từ quá trình phát triển đến sinh sản. Sau hơn 1 năm nuôi thương phẩm, ông tiếp tục chọn lọc ra những con rắn đực để xuất bán, còn rắn cái để cho sinh sản. Bên cạnh đó, ông thường chọn bán rắn ri voi vào tháng 3 hằng năm vì lúc này tiết trời khô, rắn khan hiếm nên giá rất cao.
Hiện nay, mỗi năm ông Tâm xuất bán khoảng 250 con rắn con, với giá 50.000 đồng/con (rắn mới đẻ), 80.000 đồng/con (rắn 1 tháng tuổi). Riêng rắn thịt ông bán hàng trăm con, giá từ 500.000 - 700.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Nhờ đó, kinh tế gia đình dần ổn định, con cái được ăn học đến nơi đến chốn, ông cất được căn nhà tường khang trang. “Hiện tôi đang có 5 bể nuôi với hơn 150 con rắn ri voi bố mẹ và 3 vèo trong mương với hơn 150 rắn con chuẩn bị đưa lên bể nuôi thương phẩm”, ông Tâm nói. Ai đến mua giống đều được ông hướng dẫn kỹ thuật làm bể, chăm sóc…
Bạn đọc quan tâm về kỹ thuật nuôi rắn ri voi, có thể liên hệ với ông Tâm qua số điện thoại: 01645626155.
Bình luận (0)