Tự tạo cơ hội - Kỳ 14: Trồng cà chua cao sản

29/03/2014 01:57 GMT+7

Sau một chuyến tham quan Hà Lan và Tây Ban Nha, ông Lê Văn Cường ở Đà Lạt quyết định áp dụng công nghệ cao để trồng cà chua cao sản (còn gọi là cà chua vô hạn) cho sản lượng 280 tấn/ha/vụ.

Sau một chuyến tham quan Hà Lan và Tây Ban Nha, ông Lê Văn Cường ở Đà Lạt quyết định áp dụng công nghệ cao để trồng cà chua cao sản (còn gọi là cà chua vô hạn) cho sản lượng 280 tấn/ha/vụ.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 14: Trồng cà chua cao sản
Ông Cường trong vườn cà chua cao sản - Ảnh: Lâm Viên

Là người có kinh nghiệm sản xuất rau sạch ở Đà Lạt, sau chuyến xuất ngoại năm 2009, ông Cường nhận thấy ở Tây Ban Nha và Hà Lan điều kiện canh tác rau khó khăn hơn Đà Lạt nhiều lần. Thời tiết khắc nghiệt hơn, phải khoan giếng sâu vài trăm mét để có nước tưới… nhưng nông dân vẫn sản xuất được cà chua cao sản. Từ đó, ông Cường mạnh dạn đến vùng núi thôn Đạ Nghịt, xã Lát, H.Lạc Dương (Lâm Đồng) lập trang trại sản xuất cà chua và ớt ngọt (capsicum). Ông đã nhập giống từ Mỹ và thuê chuyên gia Hà Lan qua hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Cà chua trồng trong các bịch giá thể, thân dài trên 12 m nằm dọc trên các luống thay vì leo giàn cao, cho năng suất trên 280 tấn/ha/vụ 9 tháng, cao gấp 6 lần so với phương pháp canh tác bình thường.

Để có sản lượng cao, ông Cường phải thay đổi công nghệ với nhà kính hiện đại, có hệ thống tưới, bón phân nhỏ giọt hoàn toàn tự động, kiểm soát lượng phân bón và độ pH của nước tưới cho từng giai đoạn của cây trồng. “Phương pháp canh tác này đòi hỏi vốn đầu tư cao (trên 2 tỉ đồng/ha), nhưng đổi lại tiết kiệm được 30% chi phí phân bón, 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật và quan trọng hơn là hiệu quả kinh tế”, ông Cường cho biết thêm.

Ngoài giống cà chua cao sản, ông Cường nhập thêm giống cà chua bi bi chỉ lớn bằng quả nho, với các màu đỏ, vàng và sô cô la, nhằm đáp ứng xu hướng dùng cà chua làm cocktail (ăn tráng miệng) trong các nhà hàng hiện nay.

Để rau củ có thể vươn ra thị trường thế giới, năm 2009, ông Cường thành lập Công ty TNHH Đà Lạt GAP và được Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) chứng nhận sản phẩm rau sạch đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn). Tiếp đó, công ty của ông được cấp chứng nhận rau đạt chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn châu u), được Bộ NN-PTNT công nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” đầu tiên ở VN.

Hiện nay, ngoài trang trại rộng 7 ha đang sản xuất 30 mặt hàng rau sạch, trong đó chủ lực là cà chua và ớt ngọt, Đà Lạt GAP đã chuyển giao kỹ thuật và giống cho 2 nông hộ để tăng năng lực cung ứng ra thị trường. Sau khi tới trang trại Đà Lạt GAP kiểm tra, mới đây một đối tác Nhật Bản đã đồng ý mua ớt của công ty. Năm 2013, Đà Lạt GAP xuất qua Nhật Bản 600 tấn ớt, còn hiện nay đều đặn mỗi tháng xuất qua Nhật 120 tấn ớt. Ngoài ra, ông Cường còn xuất khẩu rau thơm các loại qua Nga, mỗi tuần xuất hơn 2 tấn qua đường hàng không với giá 2 USD/kg. Còn sản phẩm rau sạch và cà chua được tiêu thụ trong nước qua hợp đồng với giá ổn định cho các thị trường Đà Lạt, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… Cà chua cao sản và ớt ngọt bán lẻ giá ổn định 24.000 đồng/kg, cà chua bi bi giá 40.000 đồng/kg, rau các loại từ 12.000 đến 22.000 đồng/kg.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.