Tự tạo cơ hội - Kỳ 28: Hỗ trợ nghề nuôi tôm chân trắng

19/04/2014 02:07 GMT+7

Đến xã Hiệp Thạnh (H.Duyên Hải, Trà Vinh) hỏi “thạc sĩ Tư Long” ai cũng biết, cái học vị “ngang hông” này do những người nuôi tôm yêu mến tặng cho ông Võ Văn Long.

Đến xã Hiệp Thạnh (H.Duyên Hải, Trà Vinh) hỏi “thạc sĩ Tư Long” ai cũng biết, cái học vị “ngang hông” này do những người nuôi tôm yêu mến tặng cho ông Võ Văn Long.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 28: Hỗ trợ nghề nuôi tôm chân trắng
“Thạc sĩ Tư Long” (giữa) kiểm tra tôm cho bà con - Ảnh: Bảo Trung

Sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển H.Ba Tri (Bến Tre), năm 2003 - 2004, khi phong trào nuôi tôm sú rộ lên ở Ba Tri, ông Long bắt đầu hợp tác với các hộ dân xung quanh nuôi tôm sú quảng canh. Nhờ được tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật cũng như từ trải nghiệm thực tế, Tư Long hiểu được tập tính, cách quản lý, chăm sóc tôm, nhất là quy trình nuôi tôm theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp.

Năm 2006, ông quyết định mướn đất để phát triển nghề nuôi tôm sú công nghiệp và bước đầu thành công. Một năm sau, con tôm thẻ chân trắng có mặt ở Bến Tre, ông Tư Long cũng học thêm kỹ thuật nuôi loài thủy sản mới này. Cơ duyên để ông bén đất Hiệp Thạnh cũng từ chuyến đi thăm em gái có chồng bên đó. Thấy nơi đây có tiềm năng, nguồn nước rất phù hợp, ông quyết định chuyển sang Hiệp Thạnh nuôi tôm thẻ chân trắng.

Đầu năm 2011, ông Tư Long bắt đầu hùn với em gái nuôi 2 ao tôm thẻ và trực tiếp tư vấn kỹ thuật cho người bạn mới quen nuôi 1 ao khác. Kết quả qua 1 vụ nuôi, 3 ao tôm thu hoạch được hơn 8,5 tấn tôm. Vấn đề đau đầu đối với người nuôi tôm là xì phèn khi đào ao sâu đã được ông xử lý khá triệt để.

Sau thành công bước đầu, ngoài duy trì 2 ao nuôi tôm thẻ với người em gái, ông mướn thêm đất để phát triển thêm 2 ao tôm khác, tư vấn cho chủ 7 ao tôm thẻ và 3 ao tôm sú tại địa phương. Đến khi tôm thẻ chân trắng chính thức được cho phép nuôi ở miền Tây thì ông đã nổi tiếng, được nhiều người tìm đến nhờ hỗ trợ kỹ thuật.

Ngoài liên kết, tạo nhóm để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau kỹ thuật, ông Tư Long còn giúp đỡ một số hộ nuôi tôm bị thất bại bằng cách đầu tư toàn bộ chi phí để nuôi vụ tiếp theo. Nếu thành công, người nuôi sẽ được chia 50/50. Còn thất bại, ông lại tiếp tục đầu tư nuôi thêm vụ khác cho đến khi thành công thì trả lại ao. Đây là hình thức hỗ trợ người nuôi tôm mà chưa có doanh nghiệp, cá nhân nào thực hiện được.

Vụ nuôi tôm năm 2014, ông Tư Long nuôi 3 ao tôm thẻ chân trắng và liên kết với 7 hộ ở các xã khác nuôi 27 ao, diện tích mỗi ao khoảng 3.000 m2. Hiện nay, tôm ở các ao này đang phát triển tốt, có ao cũng đã thu hoạch. Ông Trương Ô Ren (ngụ ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh) cho biết ông không rành kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng từ năm 2011 đến nay nhờ “thạc sĩ” Tư Long hỗ trợ mà việc nuôi tôm ngày một phát triển, cuộc sống gia đình ổn định hơn.

Bảo Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.