|
Một lần cách đây hơn 10 năm, tình cờ theo cha từ TP.Tuy Hòa về H.Tuy An và TX.Sông Cầu (Phú Yên) thăm bà con, anh nhận thấy người dân nơi đây vứt bỏ gáo dừa khô lăn lóc khắp nơi, thậm chí chất thành đống để đốt. Một ý tưởng lạ lùng chợt đến, Bảo cùng với cha mình là nghệ nhân Phạm Hồng Bình lật ngang cưa dọc, đập vỡ từng mảnh nhỏ, ngồi đục đẽo, dán ghép mãi nhưng cũng chẳng nên hồn. Có lúc bực mình anh đá những gáo dừa khô lăn lóc nhưng rồi sau đó lại kiên trì ngồi chà, đánh bóng, đẽo, gọt. Rồi những lô hàng đầu tiên như lục bình, đèn ngủ, khay và những món quà lưu niệm ra đời được thị trường đánh giá cao.
Năm 2003, anh Bảo vay thêm tiền, mở xưởng, thành lập doanh nghiệp, thuê nhân công đầu tư làm gáo dừa. Mỗi tháng anh thu mua khoảng 3 - 5 tấn vỏ gáo dừa khô của bà con nông dân với giá 20.000 đồng một bao 25 kg rồi tự thiết kế các sản phẩm. Đặc biệt, trong 3 năm liên tục từ 2005- 2007, sản phẩm làm từ gáo dừa của anh đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp chứng nhận xác lập kỷ lục gồm tác phẩm Huyền sử đời Hùng (Chiếc bình lớn nhất Việt Nam), Nguồn sáng Việt (Chiếc đèn bàn lớn nhất Việt Nam) và Biển gọi (Mô hình con chim yến lớn nhất Việt Nam).
Năm 2009 anh thành lập Công ty dịch vụ - du lịch Lạc Hồng đồng thời đầu tư đóng một chiếc du thuyền dùng chất liệu gáo dừa mang tên Lạc Hồng 1. Đây là chiếc du thuyền đầu tiên tại Phú Yên, và là du thuyền đầu tiên trên thế giới có dùng chất liệu sọ dừa. Lạc Hồng 1 có hình dáng một con chim lạc, dài 25 m, rộng 5 m và cao 6,5 m (2 tầng phục vụ và khoang máy), sức chứa 100 người. Du thuyền được đóng chủ yếu bằng các chất liệu composite, nội thất bằng gáo dừa. Hiện nay chiếc du thuyền nhà hàng này đang neo đậu hoạt động tại một nhánh sông Chùa tại trung tâm TP.Tuy Hòa.
Nhân dịp Festival Thủy sản Việt Nam 2014 vừa diễn ra tại Phú Yên, anh Bảo tiếp tục cho ra đời tác phẩm con cá ngừ đại dương lớn nhất Việt Nam bằng gáo dừa khô. Tác phẩm này có chiều dài 6 m, cao 2,8 m, nặng 350 kg, được tạo cốt bằng khung gỗ, bọc phủ chất liệu composite và mặt ngoài ghép hơn 1 triệu mảnh vỏ gáo dừa, được 10 nghệ nhân thực hiện trong hơn 3 tháng, với tổng kinh phí đầu tư 315 triệu đồng. Sau khi được trưng bày tại khu phố ẩm thực và tham gia lễ hội đường phố trong dịp festival, tác giả đang tổ chức bán đấu giá để ủng hộ quỹ từ thiện của địa phương.
Hiện nay, mỗi năm anh Bảo tiếp tục cho ra đời nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ gáo dừa với nhiều mẫu mã khác nhau để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Tuy An
Bình luận (0)