Tự tạo cơ hội - Kỳ 57: Thu tiền tỉ trên cánh đồng năn

06/09/2014 02:10 GMT+7

Nhờ nỗ lực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, áp dụng thành công mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm trên cánh đồng năn, ông Huỳnh Văn Tuấn thu nhập ổn định cả tỉ đồng/năm.

 Ông Huỳnh Văn Tuấn
Ông Huỳnh Văn Tuấn trên ruộng lúa của mình - Ảnh: T.T.P

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 56: Giàu lên từ sâm dây
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 55: Cử nhân về quê nuôi bồ câu, gà đồi

Ông Tuấn (ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A, H.Hồng Dân, Bạc Liêu) kể, cách nay hơn chục năm, xứ này đất rộng, người thưa. Gia đình ông sống chủ yếu bằng nghề làm mướn và chài lưới dưới kênh xáng Ba Đình. Khi ông lập gia đình, cha mẹ cho 1 ha đất hoang, cỏ năn mọc đầy, chỉ canh tác được 1 vụ lúa/năm. Do đất xấu, phèn mặn, lúa chỉ thu được 50 - 100 giạ/vụ. Đời sống của gia đình ông và nhiều bà con khác ở đây rất thiếu thốn.

Năm 2000, tỉnh Bạc Liêu có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang một vụ tôm và một vụ lúa. Được tỉnh dẫn nước mặn vào đồng ruộng để nuôi tôm, ông Tuấn cùng gia đình cải tạo lại đất, đào ao nuôi tôm. Ông đã đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm ở các xã ven biển rồi tìm mua nguồn tôm giống chất lượng tốt về thả nuôi. Chỉ qua vụ thả 100.000 con tôm giống nuôi đầu tiên theo mô hình quảng canh, ông Tuấn thu hoạch tôm bán được gần 100 triệu đồng. Sau khi thu hoạch tôm, xã dẫn nước ngọt về để cho bà con lấp lại một vụ lúa. Ông Tuấn là người đầu tiên ở đây tìm tòi, sản xuất thành công lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm.

“Khi tôi tìm hiểu rồi đem giống lúa Một bụi đỏ vốn chịu được độ mặn cao cấy trên đất nuôi tôm, nhiều người còn cười nói tôi bị khùng”, ông Tuấn kể. Vụ trồng thử nghiệm đầu tiên giống lúa này trên diện tích 1 ha đã đem lại kết quả phấn khởi. Gia đình ông Tuấn thu được trên 300 giạ lúa, năng suất bình quân hơn 30 giạ/công. Đúc kết kinh nghiệm thực tế, ông Tuấn từng bước xây dựng mô hình sản xuất tôm - lúa theo hướng bền vững. Đến nay sau hơn 10 năm áp dụng thành công mô hình tôm - lúa, thu nhập cả tỉ đồng/năm, gia đình ông Tuấn đã mua thêm đất, mở rộng quy mô sản xuất lên gần 10 ha.

Theo ông Tuấn, nuôi tôm ở vùng đất trũng, phèn mặn không cần đòi hỏi kỹ thuật cao. Do thả tôm nuôi theo mô hình quảng canh, mật độ rất thưa, chỉ 1 - 2 con/m2 nên không cần phải cho tôm ăn bằng thức ăn công nghiệp. Người nuôi chỉ cần đào ao để giữ nước mặn, khi cải tạo đất phải bón vôi để xử phèn, ổn định môi trường, đồng thời chọn mua tôm giống tốt, khỏe mạnh về thả nuôi. Còn với kỹ thuật trồng lúa Một bụi đỏ trên đất nuôi tôm, sau khi thu hoạch tôm, đến mùa mưa bà con nên bơm rút nước mặn, phèn từ trong vuông tôm ra. Khi qua nhiều cơn mưa đầu mùa, độ mặn trên vuông tôm giảm thì bắt đầu sản xuất vụ lúa. Sản xuất lúa trên đất nuôi tôm chi phí rất thấp, đặc biệt ít tốn công chăm sóc. Trong quá trình gieo sạ hoặc cấy lúa cho đến thu hoạch người dân hoàn toàn không cần sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng ít phân bón, do đất rất màu mỡ tích tụ sau vụ nuôi tôm.

Mô hình sản xuất tôm - lúa kết hợp của ông Tuấn hiện được bà con ở H.Hồng Dân áp dụng nhân rộng lên đến hàng ngàn héc ta. Ông Tuấn còn cải tạo hơn 5 công đất, chia thành 6 ao nuôi cá chình xuất khẩu. Sau thời gian nuôi từ 10 - 12 tháng, cá đạt trọng lượng từ 2 - 5 kg/con. Cá chình có giá trị rất cao, người nuôi có thể tận dụng ốc bươu vàng, cá tạp giá rẻ làm thức ăn cho cá.

Trần Thanh Phong

 >> Nuôi tôm công nghiệp tự phát gây nổ bình biến áp
>> Đua nhau dẫn mặn vào vùng ngọt hóa nuôi tôm
>> Cà Mau khuyến khích nuôi tôm công nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.