Tự tạo cơ hội: Nông dân online

14/08/2014 03:10 GMT+7

Về khu vực Tây nguyên hay Đông Nam bộ, hình ảnh những người nông dân lấm lem bùn đất sành điệu cầm smartphone lướt web đã không còn xa lạ.

Nông dân chia sẻ kinh nghiệm thực tế của mình ảnh: Q.T

Anh Nguyễn Văn Chinh, nông dân ở H.Chư Sê (Gia Lai), kể: “Nhờ có internet và sự phổ biến của các mạng xã hội, nông dân được tiếp cận thông tin nhanh lắm. Nếu trước đây nông dân phải vất vả tìm cán bộ khuyến nông hay mày mò tìm thuốc bảo vệ thực vật thì hiện nay chỉ cần trên cây nhà mình xuất hiện bệnh lạ, sâu lạ hay chậm phát triển là mình chỉ cần chụp hình, đưa lên Facebook, lập tức sẽ có rất nhiều người vào tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm. Có những con sâu mình bắt được trên vườn cây của mình, mang đến tận hội thảo của một công ty bán thuốc mà kỹ sư của họ còn không biết, vậy mà khi post hình ảnh lên Facebook lập tức nhiều người biết ngay và tư vấn cho cách phun thuốc hiệu quả”.

Tạ Bích, nông dân trồng tiêu ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), khoe: “Vườn tiêu của tôi năm trước thường xuyên bị ve sầu gây hại nên chỉ thu được 3 tấn/ha. Nhờ có mạng xã hội, tôi tích lũy được kinh nghiệm trị bệnh từ chia sẻ của một số thành viên, sau đó dịch bệnh ve sầu đã giảm rất nhiều, đến nay vườn tiêu của tôi đã đạt được 7 tấn/ha”.

Hiện trên các mạng xã hội đã bắt đầu hình thành những hội nhóm nghề nghiệp. Phổ biến và hiệu quả nhất có thể kể đến Hội nông dân cà phê có đến gần 10.000 thành viên, Hội kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu gần 4.000 thành viên, Hội những người làm vườn có trên 7.000 thành viên… Anh Trương Văn Trung, quản lý trang Facebook Hội kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu, cho biết: “Nông dân trồng cà phê, hồ tiêu ngày nay được tiếp cận với công nghệ thông tin, hầu như ai cũng có điện thoại thông minh và kết nối mạng 3G nên vào mạng rất dễ dàng. Hội còn quy tụ được nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học và kỹ sư... nên việc chia sẻ thông tin rất hiệu quả”. Hội làm vườn trên Facebook cũng quy tụ khá nhiều nghệ nhân, những người trồng hoa, rau quả... và thường xuyên giới thiệu những giống cây, hoa mới.

Điều tiết giá cả

Không chỉ giúp nhau điều trị bệnh trên cây trồng, mạng xã hội còn là nơi để nông dân các nơi biết được xu hướng giá cả. Khi vào mùa thu hoạch, giá bán nông sản sẽ được nông dân các nơi cập nhật liên tục lên mạng. Nếu như trước đây người nông dân thường bị ép giá do không nắm được thông tin thì hiện ở khu vực Tây nguyên việc này hầu như không còn. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, cho biết: “Nhờ nắm bắt được thông tin giá cả, lợi nhuận hiện nay chủ yếu thuộc về người nông dân trồng tiêu. Giá tiêu, cà phê hôm nay thế nào, tăng giảm bao nhiêu chỉ cần vào mạng là biết ngay. Giá xuống thấp là họ đồng loạt ngưng không bán, muốn mua cũng không có. Xuất khẩu tiêu được giá nhiều năm liên tiếp, nông dân trồng tiêu giàu lên, đời sống đầy đủ tiện nghi và tất nhiên họ có đủ điều kiện để tiếp cận internet, phục vụ việc theo dõi giá cả và học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các nơi”.

Thái San, thành viên lâu năm của các hội nông dân trên Facebook, nhận định: “Nhìn chung các Hội nông dân trên mạng hoạt động rất hiệu quả, mục đích chính của họ không phải để giải trí như các nhóm hội khác mà là học tập, chia sẻ kinh nghiệm rất nghiêm túc, nhiệt tình. Nếu như hội hồ tiêu liên kết với nhau để phòng trừ sâu bệnh và nắm giữ giá cả thì hội cà phê cũng đang vận động nhau thu hoạch chín để có được chất lượng và giá bán cao hơn”.

Theo TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, việc nông dân dùng internet để chia sẻ kinh nghiệm với nhau là rất hay, rất có lợi. Điều cần hơn là làm sao để ngày càng có nhiều nông dân, nhất là ở các vùng sâu vùng xa cũng tiếp cận được với internet để nắm bắt, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin cho nhau.

Quang Thuần

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 43: Nuôi cua - cá kết hợp
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 44: Xe máy... bơm nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.