Một thương binh không chỉ làm kinh tế giỏi, thu nhập cao mà còn giúp cho nhiều hộ dân lân cận.
Các loại gà “tuyển” được ông Khương cho lai tạo, nhân đàn - Ảnh: Ngọc Quyền |
Đó là câu chuyện của ông Bùi Đức Khương, người có trang trại gà nằm cạnh đường chính qua thôn 2, xã Ea Mnang (H.Cư Mgar, Đắk Lắk).
Cách đây 3 năm, ông Khương đưa vào nuôi giống gà Minh Dư (có nguồn gốc từ Bình Định) vốn là giống gà chọi lai với gà ta nên thể hình to lớn, kháng bệnh tốt, thịt chắc, thơm ngon. Theo ông Khương, nếu nuôi tốt gà trống có thể đạt trọng lượng từ 3,5 - 4 kg/con, gà mái khoảng 2,5 kg/con. Không như gà công nghiệp, ông Khương nuôi gà chọi lai rất kỹ lưỡng, mỗi lứa gà được phân chia từng chuồng riêng với chế độ ăn chất lượng cao khác nhau, thức ăn chủ yếu là bắp xay, lúa, cám gạo... Từ 500 con gà thịt ban đầu, đến nay ông nâng quy mô nuôi lên hàng chục lần, với gà sống xuất chuồng bình quân giá 85.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 15.000 đồng/kg so với gà ta bình thường.
Ông tiết lộ trừ chi phí, mỗi tháng có thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng.
Khách hàng tiêu thụ của trang trại gà ông Khương ngoài các thương lái mua sỉ, còn có các nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới... Do đó, ông xây thêm một khu giết mổ gia cầm, mỗi lần có nhu cầu là có thể cung cấp hàng tạ thịt gà tươi sống.
“Người tiêu dùng ngày càng tinh tế, đòi hỏi gà phải là loại thịt ngon, đậm đà nên chăn nuôi cũng phải theo thị trường, tìm tòi, duy trì, phát triển các loại gà có phẩm chất cao”, ông Khương bày tỏ. Chính vì suy nghĩ như vậy nên gần đây ông Khương có cách làm độc đáo là tự mình tìm 7 giống gà “tuyển” có thịt ngon trong dân gian để lai tạo với gà chọi. Mỗi loại gà lai này được nuôi nhốt riêng để theo dõi, đánh giá kết quả, gà nào ngon hơn được tập trung phát triển nhiều hơn.
Ông Khương cho biết giờ đây không mở rộng diện tích trang trại gà mà nâng số lượng gà theo cách cung cấp con giống, kỹ thuật cho các hộ nuôi vệ tinh trong vùng. Hiện có 40 hộ nuôi như vậy với quy mô mỗi hộ từ vài trăm đến vài ngàn con. “Chỉ cần giở sổ sách là tôi biết hộ A hoặc hộ B có gà nuôi đến thời điểm xuất chuồng. Nếu có khách hàng thì tôi gọi điện thoại các hộ đưa gà đến. Với kiểu làm này, các hộ bán được sản phẩm, tôi chỉ lấy tiền công giết mổ nhưng quan trọng là luôn có gà cung cấp cho khách hàng”, ông Khương giải thích.
Bình luận (0)