Từ thác Bản Giốc, ải Nam Quan... đến Hoàng Sa, Trường Sa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/10/2021 06:30 GMT+7

Cuốn sách Lãnh thổ Việt Nam lịch sử & pháp lý cho biết những câu chuyện đàm phán biên giới, lãnh thổ mà người dân Việt Nam quan tâm.

Nhiều năm công tác tại Ban Biên giới Chính phủ, TS Trần Công Trục có hơn nửa cuộc đời làm việc liên quan đến lãnh thổ, biên giới, biển đảo. Cuốn sách Lãnh thổ Việt Nam lịch sử & pháp lý của ông vừa được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cho ra mắt. Theo nhà xuất bản, cuốn sách ra đời với mong muốn góp phần truyền đạt thêm nhiều thông tin chính xác và những bài học bổ ích cho bạn đọc quan tâm, đặc biệt là các thế hệ trẻ đang kế tục gánh vác sứ mệnh kiên quyết đấu tranh gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ chủ quyền và các quyền hợp pháp trong phạm vi lãnh thổ đó.

Lãnh thổ Việt Nam lịch sử & pháp lý, vì thế, có những câu chuyện trải nghiệm của chính tác giả về những lần đàm phán lãnh thổ, biên giới. Có những địa điểm khắc sâu cảm xúc với người dân Việt Nam. Cũng vì thế, những địa điểm ấy luôn gây xáo trộn, thậm chí là những thắc mắc, chất vấn, vì sao Việt Nam lại mất nó? Trong số những địa điểm “nhạy cảm” ấy có ải Nam Quan và thác Bản Giốc.

Từ ải Nam Quan… đến thác Bản Giốc

Về ải Nam Quan, TS Trần Công Trục cho biết đường biên giới Việt - Trung đi qua tuyến đường bộ được mô tả trong Biên bản hoạch định năm 1886 giữa Pháp và nhà Thanh là “đường biên nằm ở phía nam ải Nam Quan, trên con đường từ Nam Quan đến làng Đồng Đăng”. TS Trục cũng cho biết khi phân giới, Pháp và nhà Thanh ((Trung Quốc)) đã cắm mốc số 18 để cố định đường biên giới này, vị trí của mốc này cũng được mô tả là “nằm trên con đường từ Nam Quan đến Đồng Đăng”. Tuy nhiên, mốc này đã bị mất. Trên bản đồ cắm mốc Pháp - Thanh năm 1894, địa danh ải Nam Quan được thể hiện ở phía bắc đường biên giới.

Cuốn Lãnh thổ Việt Nam lịch sử & pháp lý có những câu chuyện về đàm phán lãnh thổ, cũng có cả những bài học cần thiết cho người trẻ để bảo vệ Tổ quốc

TRINH NGUYỄN

Chính vì thế, trong sách Lãnh thổ Việt Nam lịch sử & pháp lý, TS Trần Công Trục cho biết căn cứ vào các tư liệu có giá trị pháp lý theo Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ mà Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1994, thì đường biên giới khu vực này luôn nằm về phía nam ải Nam Quan chứ không phải qua ải Nam Quan theo tiềm thức của người Việt Nam.

Ông cũng chia sẻ về quá trình đàm phán hoạch định biên giới khu vực này, cả Việt Nam và Trung Quốc đều không đủ căn cứ pháp lý rõ ràng để bảo vệ đường biên giới chủ trương của mình. Vì vậy đã thống nhất lựa chọn một đường biên giới theo các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận hoạch định biên giới ở các khu vực loại C có nhận thức khác nhau (khu vực loại C là những khu vực được hình thành sau khi Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đối chiếu bản đồ đường biên giới chủ trương năm 1994. Có 164 khu vực loại C). “Như vậy, không có chuyện Việt Nam đã “nhường” ải Nam Quan cho Trung Quốc như nhiều người suy diễn theo cảm tính và dựa vào những thông tin thiếu khách quan, không có giá trị pháp lý”, TS Trục viết.

Trường hợp thác Bản Giốc, theo TS Trần Công Trục, trong quá trình đàm phán, vì cả Việt Nam và Trung Quốc không có đủ chứng cứ, tài liệu pháp lý để bảo vệ yêu sách của mình đối với cồn Pò Đon của thác. Chính vì thế hai bên phải dựa vào nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế được hai bên thỏa thuận liên quan đến việc hoạch định biên giới theo sông suối biên giới: đối với đường biên giới đi qua sông suối tàu thuyền không đi lại được thì đường biên giới đi qua trung tuyến dòng chảy chính. Cuối cùng, hai bên thống nhất xác định đường biên giới đi qua cồn Pò Đon, hai phần ba thuộc về Trung Quốc, một phần ba thuộc về Việt Nam.

“Từ tình hình nói trên, tôi cho rằng vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực này đã được giải quyết cực kỳ công bằng, khách quan và cầu thị, hoàn toàn phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế. Không có chuyện Việt Nam đã để mất thác Bản Giốc vào tay Trung Quốc, như một số người, do vô tình hay cố ý, viện dẫn các tư liệu lịch sử, văn học, sách giáo khoa, thậm chí cả Sách Trắng của Bộ Ngoại giao công bố vào những năm 1970 để khẳng định rằng toàn bộ thác Bản Giốc là của Việt Nam”, TS Trục phân tích trong sách.

Đọc để tỉnh táo

Có nhiều bài học lịch sử và pháp lý được TS Trần Công Trục nêu trong sách. Chẳng hạn, ông cho biết với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chủ quyền của Việt Nam được xác lập theo nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”. Theo TS Trục: “Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ 17. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành - nguyên tắc chiếm hữu thật sự - của Công pháp quốc tế”.

Trong khi đó, Trung Quốc lại dùng vũ lực xâm chiếm và tạo ra tình trạng tranh chấp chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa. Để biện minh cho sự xâm chiếm bằng vũ lực đó, TS Trục cho biết: “Phía Trung Quốc lập luận rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam)”.

TS Trục từ đó đưa ra một số lưu ý cần thiết. Chẳng hạn cần thận trọng khi sử dụng các tài liệu, bản đồ lịch sử có liên quan đến hai quần đảo. Chỉ có những tư liệu lịch sử và bản đồ có giá trị pháp lý (nghĩa là các tư liệu do hệ thống tổ chức nhà nước có thẩm quyền ban hành) mới được coi là chứng cứ pháp lý. “Nếu sử dụng không có chọn lọc, nhất là dùng cho đấu tranh pháp lý, tất cả tài liệu lịch sử, bản đồ… có thể vô tình ủng hộ cho lập trường “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc như đã phân tích trên”, TS Trục nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.