Trợ cấp ưu đãi người có công tăng lên 2,055 triệu đồng
Từ ngày 5.9, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21.7.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24.7.2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1,624 triệu đồng lên 2,055 triệu đồng/tháng.
Nghị định nêu rõ, mức chuẩn quy định trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định 55 được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.
Trường hợp mức trợ cấp 1 lần tính theo thâm niên thì sau khi đã tính tròn số năm tham gia kháng chiến mà còn có tháng lẻ thì số tháng lẻ được tính tròn số theo nguyên tắc: từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 1 năm, dưới 6 tháng được tính là 6 tháng.
Trường hợp không xác định được ngày, tháng bắt đầu hoạt động kháng chiến thì được tính từ ngày 1 tháng 7 của năm đó.
Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung mức hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có có công với cách mạng.
Cụ thể, mức hưởng trợ cấp hằng tháng 2,055 triệu đồng dành cho các đối tượng: thân nhân 1 liệt sĩ; vợ hoặc chồng, con liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi hoặc đủ 18 tuổi vẫn còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng; vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống; người phục vụ thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; con đẻ của người còn sống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Ngoài ra, thân nhân của 2 liệt sĩ là 4,11 triệu đồng/tháng; Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng trợ cấp 6,165 triệu đồng/tháng và phụ cấp 1,722 triệu đồng/tháng.
Cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc được tăng trợ cấp hằng tháng
Trong tháng 9, Thông tư 11 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc cũng bắt đầu có hiệu lực từ 15.9.
Theo Bộ Nội vụ, từ 1.7.2023, tăng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cho cán bộ xã già yếu như sau:
Trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp hưởng tháng 6.2023 nhân với 1,125.
Nếu sau khi điều chỉnh, mức trợ cấp này vẫn thấp hơn 3 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh như sau: tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng/người; tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,7 - dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Do đó, các đối tượng được điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng làm tròn số như sau:
Nguyên bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, phó bí thư, phó chủ tịch, thường trực đảng ủy, ủy viên thư ký UBND, thư ký HĐND xã, xã đội trưởng, trưởng công an xã mức sau điều chỉnh là 3 triệu đồng/tháng/người.
Các chức danh còn lại: 2,817 triệu đồng/tháng/người.
Sửa đổi quy định xếp loại cán bộ, công chức viên chức
Cũng từ ngày 15.9, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung nguyên tắc về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" có hiệu lực.
Nghị định bổ sung thêm các nguyên tắc gồm: cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.
Nghị định nêu rõ, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức viên chức.
Nghị định 48/2023/NĐ-CP nêu rõ, căn cứ quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức về đánh giá, xếp loại chất lượng, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ban hành quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Không xem xét lại đối với những trường hợp đã có kết quả xếp loại chất lượng trước ngày nghị định này có hiệu lực.
Trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm đó để thực hiện.
Bình luận (0)