Từ thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic: Không thể xây nhà từ… nóc!

13/08/2024 11:59 GMT+7

Thể thao VN cần xây nhà từ móng, hay nói cách khác là phải xây dựng nền tảng vững vàng mới có thể mơ xa, tránh nguy cơ tụt hậu ở ASIAD hay Olympic.

MUỐN TRÒ HAY, PHẢI CÓ THẦY GIỎI

Để có lực lượng VĐV chất lượng, đủ sức cạnh tranh ở tầm thế giới, thể thao VN trước tiên cần HLV và chuyên gia giỏi. "Danh sư xuất cao đồ", tức thầy giỏi ắt có trò hay, là câu chuyện có thể nhìn thấy rõ nét nhất ở môn bắn súng.

Từ thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic: Không thể xây nhà từ… nóc!- Ảnh 1.

Đội tuyển bắn súng VN

Chiến tích lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016 mang dấu ấn đậm nét của những người thầy, đó là HLV Nguyễn Thị Nhung của đội tuyển bắn súng VN, cùng chuyên gia Park Chung-gun. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến cách ông Park giúp xạ thủ VN "cởi trói" tư duy, khi không chỉ huấn luyện kỹ năng bắn súng, khả năng duy trì tập trung, mà còn xây dựng nền tảng tâm lý tốt cho nhiều thế hệ VĐV. Ở khoảnh khắc quyết định tại Thế vận hội 8 năm trước, Hoàng Xuân Vinh đã đánh bại đối thủ Felipe Almeida Wu của Brazil bằng viên đạn điểm 10.7, dù phải chịu áp lực khủng khiếp của CĐV chủ nhà.

Từ thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic: Không thể xây nhà từ… nóc!- Ảnh 2.

Chuyên gia Park Chung-gun và nhà vô địch Olympic 2016

Huấn luyện tâm lý chưa bao giờ là dễ với thể thao VN, cũng bởi vậy mà sự xuất hiện của chuyên gia giỏi như ông Park "súng" (ông Park tự gọi mình như vậy, do có chữ "gun", tức là súng ở trong tên) đã giúp bắn súng VN thay da đổi thịt. Tấm HCV vô địch giải bắn súng châu Á sau đó của Trịnh Thu Vinh và Phạm Quang Huy, hay HCV ASIAD 19 của Quang Huy có dấu ấn rõ nét của vị chuyên gia Hàn Quốc này. Đột phá của môn bắn súng cho thấy muốn thành công, cần có đội ngũ huấn luyện tài ba. Tuy nhiên, phần lớn bộ môn ở VN không may mắn có những chuyên gia tốt như bắn súng.

Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt bày tỏ: "Thể thao VN đã có HLV tầm cỡ ASIAD, Olympic nhưng con số còn hạn chế. HLV tại địa phương của chúng ta còn hạn chế về tiếp cận, thực hiện khoa học thể thao". Nguyên nhân khiến nhiều bộ môn loay hoay tìm thầy giỏi, trước tiên nằm ở kinh phí. 10 năm qua, chuyên gia Park Chung-gun của môn bắn súng hưởng mức lương từ 6.000 - 8.000 USD/tháng (khoảng 150 - 200 triệu đồng), trong khi ông Park Chae-soon, người từng giúp bắn cung Hàn Quốc giành 11 HCV Olympic, đã ký hợp đồng với đội bắn cung VN với mức lương 8.000 USD/tháng. Đây cũng là trần lương phổ biến của các chuyên gia ngoại. Trung bình mỗi năm, các đội cần nguồn kinh phí khoảng 2 - 2,4 tỉ đồng để trả lương cho thầy ngoại. Không phải đội nào cũng sẵn lòng với mức phí lớn như vậy.

Báo cáo của Cục TDTT tại hội nghị cuối năm 2023 cho thấy chính sách tiền lương với VĐV, HLV còn nhiều hạn chế, chưa có chính sách lương và phụ cấp đặc thù trong lĩnh vực thể thao, thiếu chính sách chuyên biệt thu hút nhân tài. "Chế độ lương, phụ cấp với HLV chưa được điều chỉnh kịp thời và còn thấp, dẫn đến cuộc sống, sinh hoạt và tập luyện của HLV còn khó khăn, khá thấp so với mặt bằng chung của các loại hình lao động khác nên khó thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao, thậm chí nhiều HLV không muốn tập trung lên đội tuyển", Cục TDTT phân tích.

Philippines, Thái Lan bồi dưỡng tài năng thế nào để giành HCV Olympic?

CHÂN ĐẾ RỘNG MỚI TÌM ĐƯỢC NHÂN TÀI

Hai kỳ Thế vận hội liên tiếp trắng tay, trong đó ở kỳ năm nay, 15/16 VĐV dừng bước ở vòng loại, không thể lọt vào chung kết để tranh huy chương. Ông Đặng Hà Việt cho rằng thể thao VN cần lực lượng VĐV đảm bảo hơn.

Từ thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic: Không thể xây nhà từ… nóc!- Ảnh 3.

Thể thao VN cần có chân đế rộng để phát hiện nhiều VĐV tài năng như Nhi Yến (trái)

REUTERS

"Có thể ở một số môn thể thao chúng ta đã tiệm cận được trình độ ở ASIAD, nhưng với sân chơi Olympic, một đấu trường lớn thì cần thời gian để xây dựng lực lượng đảm bảo hơn. Ngành thể thao đã đưa ra những giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn, trong đó có vấn đề thể thao học đường. Đây là khía cạnh rất quan trọng trong việc phát triển phong trào cũng như tìm kiếm, tuyển chọn tài năng cho thể thao nước nhà. Đối với các môn võ, chúng tôi đã có chỉ đạo các liên đoàn, đồng thời phối hợp Bộ GD-ĐT xây dựng hệ thống giải để từ đó tìm được những tài năng boxing hay taekwondo.

Với những bộ môn liên quan đến chu kỳ như điền kinh, bơi lội, cử tạ… thì còn cần tập trung hơn nữa vào việc đánh giá thể chất, thể lực, từ đó tìm kiếm những VĐV có tố chất đặc thù để đưa vào đào tạo lâu dài. Đối với những bộ môn đòi hỏi độ chính xác, cũng cần có kênh tuyển chọn tốt và ứng dụng công nghệ hiện đại vào đào tạo. Như tại Olympic vừa qua, đòi hỏi sự đầu tư rất cao về trang thiết bị và tâm lý thi đấu của VĐV khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi điều kiện thời tiết và môi trường, gió mưa", ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Để sàng lọc VĐV giỏi, thể thao VN cần phát triển mạnh thể thao quần chúng, tức là phong trào thể thao được nâng tầm ở mọi nơi, trong đó mũi nhọn là thể thao học đường. Tuy nhiên đây không phải chuyện của riêng ngành thể thao. Với nền giáo dục còn đặt nặng việc học văn hóa, mà giáo dục thể chất vẫn chỉ là môn phụ, ngoại khóa, việc phát triển để trẻ em chơi thể thao, phát triển toàn diện thể chất, đạo đức và văn hóa sẽ rất khó thành hiện thực, nếu được thực hiện cũng "manh mún" ở các trường. Ngoài ra, báo cáo của Cục TDTT cho thấy quỹ đất và cơ sở vật chất cho thể thao toàn dân ở VN còn rất hạn chế. Hậu quả là thể thao VN xưa giờ hầu như không tìm kiếm được nhân tài từ thể thao quần chúng hay học đường, mà phần lớn vẫn đến từ cơ chế "luyện gà nòi" đã sớm được chứng minh là không phù hợp với xu hướng thế giới.

Nếu không thể đa dạng kênh tuyển chọn nhân tài, chỉ sàng lọc thô từ các nguồn "gà nòi" ở địa phương với công nghệ đào tạo lạc hậu, HLV trình độ thấp, chủ yếu huấn luyện bằng chuyên môn mà lại thiếu cập nhật, khoảng cách giữa thể thao VN và mặt bằng trình độ Olympic sẽ ngày một xa hơn. Chúng ta không thể có được ngôi nhà vững chắc nếu xây ngôi nhà ấy từ… nóc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.