Có thể khẳng định đây là tác phẩm được nhiều người phương Tây biết đến nhất khi nhắc đến Phật giáo Tây Tạng. Bản dịch cuốn sách của Detlef Ingo Lauf, có lẽ là tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt, thảo luận kiệt tác Tử thư Tây Tạng một cách toàn diện nhất trên thị trường sách VN hiện nay.
Truyền thống về tử thư đã tồn tại tại Tây Tạng dưới hình thức tín ngưỡng tôn giáo bản địa trước khi có sự du nhập của Phật giáo vào đất nước này. Gạt qua những chi tiết mang tính học thuật và lịch sử, sách muốn đề cập đến một câu hỏi thiết yếu có tầm quan trọng hàng đầu đối với các độc giả tiềm năng: chúng ta đọc cuốn sách này để làm gì? Quan điểm Phật giáo nói chung và Phật giáo Tây Tạng nói riêng, tu là chuyển nghiệp. Khi chúng ta “đi vào cõi chết”, những hình ảnh chôn vùi trong thần thức hiện ra dưới tác động của nghiệp lực và định hướng cho sự tái sinh của chúng ta. Nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ bằng thiện nghiệp, thần thức sẽ bị lôi kéo bởi ác nghiệp để thác sinh vào những cảnh giới súc sinh, quỷ đói, hay địa ngục. Tu để chuyển nghiệp là vậy. Tâm lý học trị liệu không dùng ngôn ngữ Phật giáo nhưng mục đích tối hậu của nó cũng tương tự như cứu cánh của đạo Phật: vẫn là giúp con người trở nên lành mạnh, trưởng thành, thoát khỏi sự nhiễu loạn tâm trí, chuyển hóa các năng lực tiêu cực ẩn sâu trong vô thức thành những sức mạnh tinh thần tích cực (yêu thương, kết nối, thích nghi và thấu hiểu).
Những giáo pháp bí mật của Tử thư Tây Tạng (nguyên tác tiếng Đức của Detlef Ingo Lauf, bản dịch tiếng Anh của Graham Parkes) được dịch giả Tiến Thành (người đã dịch trọn bộ Hoàng Đế Nội Kinh hết sức thành công) chuyển ngữ một cách mượt mà, điêu luyện. Sách do Công ty CP văn hóa Văn Lang, Nhà xuất bản Hồng Đức phối hợp xuất bản và phát hành quý 4/2017.
Bình luận (0)