|
Dân Lý Sơn gọi lễ hội này là “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Đây là lễ hội khá lạ so với tập tục cư dân ven biển Trung bộ hiện nay. Lạ từ cách thức tiến hành lễ đến nội dung các buổi tế, lẫn tên gọi của nó.
Thường thì những cuộc lễ mang tính quy mô như Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa này, chính quyền địa phương hoặc ngành văn hóa, thể thao, du lịch đứng ra tổ chức, nhưng với Lễ khao lề ở Lý Sơn thì không. Một quy ước đậm chất “lệ làng” từ ngàn xưa đã định ngày cho lễ hội này là 15 và 16 tháng 3 âm lịch. Trước đó, suốt trong nửa cuối tháng 2 và đầu tháng 3, 13 tộc họ trên đảo đã làm lễ khao lề riêng và đến ngày 15, 16.3, một lễ chung được tổ chức tại đình làng An Vĩnh - nơi được chọn làm lễ xuất quân ra Hoàng Sa thuở trước.
Các nhà nghiên cứu văn hóa gọi đây là lễ hội của nhân dân, còn dân Lý Sơn xem lễ hội này như là sự tiếp nối mang tính truyền đời từ thuở cha ông của họ ra Hoàng Sa mở cõi cho đến hôm nay, khi Hoàng Sa không còn là chỗ đi về yên ổn của ngư dân Lý Sơn nữa. Những hình nhân thế mạng, những lời nguyện cầu, những tiếng kèn âm âm u u vang lên từ vỏ ốc, rồi hàng nghìn ngọn nến cùng những chiếc thuyền bằng giấy thả trôi trên biển được hòa quyện trong một không gian đậm đặc huyền hồ, tất cả đều toát lên vẻ thiêng liêng khó tả.
Lễ khao lề vừa là ngày tiễn đưa con em ra Hoàng Sa giữ đảo đồng thời cũng là ngày tưởng niệm những người con Lý Sơn hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại quần đảo ấy. Chính vì thế cho nên mặc dù những cuộc tiễn đưa con em ra Hoàng Sa giữ đảo đã chấm dứt từ lâu nhưng lễ khao lề thì vẫn duy trì như là một phần tâm linh không thể thiếu của người dân đất đảo. Sự bền chặt có tính vĩnh cửu của lễ khao lề ở Lý Sơn chính là ở chỗ này.
Sự bền lâu của lễ hội còn được thể hiện ở chỗ, qua Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, những bậc trưởng lão của Lý Sơn muốn gieo vào lòng con cháu họ một nỗi mất mát không được phép quên. Đó là, Hoàng Sa mãi mãi là đất đai mà ông bà của họ đã từng đem cả xương máu của mình ra để giữ gìn từ hàng trăm năm trước.
Con em Lý Sơn và du khách người Việt có thể gặp lại không khí của những cuộc ra đi bảo vệ Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước thông qua những các nghi lễ được tái hiện một cách bài bản và công phu. Họ cũng gặp lại “không khí Hoàng Sa” ngay trên mâm cỗ của từng tộc họ trong ngày giỗ. Những chiếc bánh ít lá gai-lương thảo dùng cho lính Hoàng Sa đi biển lâu ngày mà không bị hỏng - luôn được các bà mẹ Lý Sơn duy trì trên mâm cỗ dù bây giờ có hàng trăm loại bánh hảo hạng.
Một chiếc bánh ít lá gai theo kiểu Lý Sơn thôi mà ta có thể gặp lại bóng dáng của người xưa đi giữ nước. Sự bền lâu của lễ hội nhân dân cũng chính là ở chỗ này.
Trần Đăng
Bình luận (0)