Từ thương vụ Carlos Tevez: Triết lý bóng đá kiểu... Trung Quốc

01/01/2017 10:10 GMT+7

' Trung Quốc đang phát triển nền bóng đá của họ, cứ nhìn vào các bản hợp đồng và tuyển mộ của họ. Nếu thực sự có cơ hội xuất hiện, dù đang có hợp đồng với BTC Premier League, tôi sẽ phải xem xét chiến lược dài hạn đối với công việc của mình'.

Đó là câu trả lời dành cho AP từ Mark Clattenburg, trọng tài người Anh, khi nói về cơ hội làm việc tại giải bóng đá vô địch Trung Quốc.
"Đến trọng tài họ cũng muốn tuyển dụng, việc các ngôi sao hàng đầu của bóng đá châu Âu, hay bất kỳ đâu trên thế giới, không hẳn là thật sự tài năng, bất kể tuổi tác, đến chơi bóng tại Trung Quốc cũng là điều không còn quá khó hiểu", Jurgen Klopp bình luận về làn sóng cầu thủ gia nhập giải bóng đá, đang nổi lên như một thế lực cạnh tranh quyết liệt nguồn nhân lực với Premier League (Ngoại hạng Anh) và MLS (giải bóng đá nhà nghề Mỹ).
Carlos Tevez, với bản hợp đồng trị giá 615 ngàn bảng/tuần, là cái tên mới nhất gia nhập giải vô địch Trung Quốc. Và tin buồn cho fan Real Madrid, cũng như những ai thường xem La Liga, Jorge Mendes - người đại diện của siêu sao Cristiano Ronaldo, vừa bóng gió trên Sky Sport rằng "Cristiano Ronaldo vừa nhận được một lời mời hào phóng từ Viễn Đông".
Các bản hợp đồng đắt giá nhất năm 2016
Phương Đông trước nay vẫn huyền bí với thế giới. Và lời mời từ Trung Quốc dành cho CR7, người mới nhận danh hiệu Quả bóng Vàng thứ 4 trong sự nghiệp, trị giá hơn 100 triệu euro (105 triệu USD)/năm. Tính lương theo tuần là bao nhiêu, có lẽ, không cần thiết, chỉ biết rằng nó gấp đôi mức lương, thưởng hiện tại của siêu sao Bồ Đào Nha tại Bernabeu.
Có điều, như Clattenburg đã bọc hậu cho phát biểu của mình, rằng "tiền không phải là động lực trong quyết định của tôi, với tư cách một trọng tài, thay vào đó là mong muốn làm điều gì đó khác đi. Có thể là với tư cách một nhà tư vấn tuyển dụng. Nó giống như Howard Webb từng làm (ở Ả rập Xê út) trong việc giúp đỡ một nước phát triển công tác trọng tài"... Mendes cũng để đường lui cho thân chủ của mình. "Tiền không phải là tất cả, Real Madrid mới là cuộc sống của anh ấy", Mendes nói, quên mất rằng chính ông đã tha thiết mời chào Ed Woodward, Phó Chủ tịch điều hành Manchester United, "món hàng" CR7 cách đây 3 năm.
Tạm gác sang bên câu chuyện tiền đạo 31 tuổi, ta hãy quay trở lại với sự kiện chân sút 32 tuổi nhận mức lương cao nhất thế giới, vừa gia nhập CLB Shanghai Shenhua sau khi rời Boca Juniors - nơi mà chính anh khẳng định "là điểm cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu của tôi".

tin liên quan

Carlos Tevez và mức lương ‘điên rồ’ ở Trung Quốc

Mỗi giây trong đời Tevez giờ có giá 1 bảng Anh, và chỉ cần một tháng rưỡi lương, tiền đạo người Argentina thừa sức tậu chiếc Koenigsegg CCXR Trevita, siêu xe đắt nhất thế giới.

Điều gì đang xảy ra với các cầu thủ và giải vô địch Trung Quốc?
Trước Tevez là Oscar. Trước Oscar đã là Ramires. Riêng trong năm 2016, 4/10 bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới được thực hiện tại Trung Quốc. Thay vì lựa chọn chơi bóng tại 1/5 giải hàng đầu châu Âu - Serie A, thi đấu tại Champions League và giành vinh quang cùng Juventus, Oscar lựa chọn Shanghai SIPG.
Nếu đem các yếu tố mở rộng ảnh hưởng địa lý chính trị, thực dân văn hóa, cường quốc kinh tế... để giải thích cặn kẽ về việc tạo ra làn sóng phá giá cầu thủ của các ông chủ người Hoa, có lẽ mất cả ngày. Ở góc độ bóng đá, câu chuyện bắt đầu từ việc Guangzhou Evergrande trở thành CLB Trung Quốc đầu tiên vô địch AFC Champions League vào 2013.
Tổng chi tiêu của bóng đá Trung Quốc cho các cầu thủ qua các năm
Chiến thắng đó - được giúp sức bởi tiền vệ Dario Conca (Argentina) và chân sút Elkeson (Brazil) - đánh dấu cơn bùng nổ chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng của các đội bóng Trung Quốc. "Tiền không quan trọng - Nhưng những vấn đề quan trọng đều giải quyết bằng tiền" - câu nói dường như xuất phát từ Trung Quốc, nay được các ông chủ bóng đá người Hoa áp dụng vào thực tiễn, với những tấm séc "khống" chìa ra, chỉ cần chờ đại diện của các cầu thủ điền vào, với hy vọng thân chủ của họ sẽ đem về những chiến thắng lớn.
Năm ngoái, giải vô địch Trung Quốc tiêu tới 400 triệu euro cho việc chuyển nhượng cầu thủ, đa phần được sử dụng vào việc mua cầu thủ nước ngoài, cũng như trả lương cho các HLV Sven Goran Eriksson, Marcelo Lippi, Felipe Scolari, Andre Villas-Boas...
Hiển nhiên, ai cũng hiểu rằng tiền chính là động lực duy nhất đằng sau những cuộc di cư từ phương Tây tới phương Đông. Những người đang ở đỉnh cao sự nghiệp như Oscar, Alex Teixeira, Hulk, Robinho..., hay hết thời như Tim Cahill, Demba Ba, Momo Sissoko..., đều dễ dàng chơi bóng và tỏa sáng ở đây, hơn ở quê nhà.
Carlos Tevez chuẩn bị sang Trung Quốc với mức lương khủng AFP
Hiển nhiên, ai cũng hiểu (nhưng không hẳn dám nói ra như Arsene Wenger!) rằng chính phủ Trung Quốc đã bật đèn xanh cho "cơn sốt vàng ở miền Viễn Đông". HLV người Pháp của Arsenal không giấu nỗi lo lắng: "Tôi không biết đam mê bóng đá ở Trung Quốc cháy bỏng nhường nào, nhưng nếu có một khát vọng chính trị mãnh liệt trong đó, chúng ta nên lo lắng".
Năm 2011 khi còn chưa lên đỉnh cao, ông Tập Cận Bình, nay là Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, với tư cách là một CĐV bóng đá cuồng nhiệt từ khi còn nhỏ, đã bày tỏ 3 nguyện vọng về tương lai bóng đá Trung Quốc - giành quyền tham dự World Cup, đăng cai tổ chức World Cup và giành cúp vô địch World Cup. Và năm ngoái, một chỉ thị về cải cách bóng đá đã được thông qua, với việc thành lập một Ủy ban nghiên cứu về vấn đề này. Chủ tịch Ủy ban này không ai khác là ông Tập Cận Bình.
Đáng tiếc đối với đa số CĐV bóng đá Trung Quốc, đội tuyển quốc gia nước này vẫn đứng cuối bảng ở vòng loại thứ 3 khu vực châu Á. Và mơ mộng về việc tham dự một kỳ World Cup đã tan như bong bóng - ngay cả khi cấp tốc (vào tháng 10) thuê HLV vô địch World Cup Marcelo Lippi hòng cứu vãn tình thế. Đành phải chờ tới 2022 thôi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.